Liên quan đến xung đột hạt nhân, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi một bức thư tới hội nghị LHQ về không phổ biến vũ khí hạt nhân diễn ra tại New York hôm 1/8, trong đó ông bình luận rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân “không bao giờ nên” được khởi động.
“Chúng tôi đi lên từ thực tế rằng không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và nó không bao giờ được phép khơi ra, và chúng tôi ủng hộ an ninh bình đẳng và không thể chia cắt cho tất cả các thành viên của cộng đồng thế giới”, nhà lãnh đạo Nga cho biết.
Bình luận trên của ông Putin khá tương phản với những cảnh báo liên tục của Điện Kremlin về khả năng hạt nhân của Nga suốt từ đầu chiến dịch ở Ukraine.
Tại hội nghị, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo, nhân loại chỉ cách một tính toán sai lầm nữa là có thể phải đối mặt với sự hủy diệt vì chiến tranh hạt nhân trong bối cảnh các nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân đang gia tăng và các hàng rào an toàn ngăn chặn leo thang đang yếu đi.
Mặt trận chiến tranh điện tử Nga - Ukraine
Khi chiến dịch của Nga ở Ukraine kéo dài, các kỹ thuật tác chiến điện tử (EW) có thể mang lại lợi thế cho các lực lượng Nga, trang The Verge cho biết hôm 1/8, dẫn lời một số nhà phân tích tình báo.
Trong giai đoạn mới nhất của cuộc giao tranh, hiện đang bước sang tháng thứ 6, nhiều nhà quan sát nhận thấy rằng các hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Nga đang đóng một vai trò lớn hơn.
Tác chiến điện tử đề cập đến một loạt các hệ thống phần cứng và phần mềm có thể gây nhiễu, đánh chặn hoặc xác định vị trí liên lạc của đối phương. Tác chiến điện tử được một bên sử dụng để chống lại pháo binh, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và nhiều loại vũ khí khác của đối phương, đồng thời để bảo vệ lực lượng của chính họ.
Hồi tháng 6, hãng tin AP cho biết, các hệ thống này bắt đầu được sử dụng nhiều hơn ở miền Đông Ukraine, nơi có các đường tiếp tế ngắn hơn, cho phép quân đội Nga di chuyển các thiết bị EW chuyên dụng đến gần chiến trường hơn.
Các quan chức Ukraine nói với AP rằng việc làm nhiễu GPS của các hệ thống dẫn đường bằng máy bay không người lái (drone) gây ra một mối đe dọa "khá nghiêm trọng" đối với tính hiệu quả của chúng.
Một phân tích mới được công bố trên Spectrum, một ấn phẩm tin tức do Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) thực hiện, cũng lập luận rằng mặc dù tác chiến điện tử không đóng vai trò quyết định trong cuộc xung đột, nhưng nó hiện đang giúp cán cân nghiêng về phía có lợi cho Nga.
“Các chuyên gia từ lâu đã ca ngợi Nga là nước có một số đơn vị EW có kinh nghiệm nhất và được trang bị tốt nhất trên thế giới”, ông Bryan Clark, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Khái niệm Quốc phòng của Viện Hudson, cho biết trên Spectrum.
“Vì vậy, trong những ngày đầu của cuộc xung đột bùng phát vào ngày 24/2, các nhà phân tích kỳ vọng các lực lượng Nga sẽ nhanh chóng giành quyền kiểm soát và sau đó thống trị quang phổ điện từ”.
Tuy nhiên, vì những lý do không hoàn toàn rõ ràng, sức mạnh tác chiến điện tử nổi tiếng của Nga hầu như không được nhìn thấy phát huy trong giai đoạn đầu chiến sự.
“Sau gần một thập kỷ diễn tập ở miền Đông Ukraine, khi xung đột leo thang và bùng phát hồi cuối tháng 2, tác chiến điện tử Nga lại không xuất hiện”, ông Clark cho biết.
Bây giờ khi quân đội Nga kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn ở Ukraine và ngày càng sử dụng nhiều hơn "chiến thuật bao vây" xung quanh các thành phố Ukraine, ông Clark cho biết, tác chiến điện tử Nga đang bắt đầu phát huy tác dụng.
Ví dụ, quân đội Nga được cho là có thể làm nhiễu liên lạc radar của các máy bay không người lái Ukraine, ngăn chúng nhận dạng hiệu quả các khẩu đội pháo của Nga. Trong khi đó, các kỹ thuật đánh chặn cho phép các lực lượng Nga xác định vị trí và nhắm mục tiêu vào các trận địa pháo của Ukraine, phát huy chính xác lợi thế về quân số và hỏa lực của họ.
Ngoài các biện pháp gây nhiễu, các nỗ lực tấn công mạng không chính thức cũng đóng một vai trò nhất định trong xung đột Nga - Ukraine, bao gồm một số nhóm chống Nga hoạt động dưới tên Anonymous.
Thêm vũ khí phương Tây đổ về chiến trường Ukraine
Ukraine xác nhận đã nhận được thêm các hệ thống tên lửa phóng loạt tối tân từ các đồng minh phương Tây, bao gồm HIMARS từ Mỹ và MARS II từ Đức, trang Defense Express (Ukraine) đưa tin hôm 1/8.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov tuyên bố trên tài khoản Twitter của mình hôm 1/8 rằng 4 hệ thống HIMARS và các hệ thống MARS II đã được chuyển giao cho Ukraine, đồng thời gửi lời cảm ơn tới những người đồng cấp Mỹ và Đức.
HIMARS là hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao với tầm bắn lên tới 80 km. Hiện Kiev xác nhận đã nhận được hơn 20 hệ thống này từ Mỹ và dự kiến sẽ có thêm các hệ thống tên lửa tối tân đổ về chiến trường Ukraine.
Liên quan đến hỗ trợ quân sự, Mỹ hôm 1/8 đã công bố một gói viện trợ mới cho các lực lượng Ukraine đang chiến đấu với Nga, bao gồm đạn dược cho các hệ thống phóng tên lửa và pháo cối.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby lưu ý với các phóng viên rằng gói viện trợ trị giá 550 triệu USD sẽ “bao gồm nhiều đạn dược hơn cho các hệ thống tên lửa tiên tiến có tính cơ động cao, còn được gọi là HIMARS, cũng như đạn dược”.
Gói hỗ trợ bao gồm 75.000 viên đạn pháo 155mm, một tuyên bố từ Lầu Năm Góc cho biết.
"Để đáp ứng các yêu cầu chiến trường đang biến đổi, Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để cung cấp cho Ukraine những khả năng quan trọng", tuyên bố cho biết.
Theo Lầu Năm Góc, tổng hỗ trợ quân sự đã cam kết dành cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức đã lên tới hơn 8,8 tỷ USD.
Các hỗ trợ vũ khí trước đây từ Washington cho Kiev bao gồm radar phản pháo, tên lửa chống tăng Javelin, trực thăng do Liên Xô sản xuất, đạn pháo và xe bọc thép hạng nhẹ.
Thành tích phản công ở Kherson của Ukraine
Trên thực địa, các lực lượng Ukraine hôm 1/8 tuyên bố đã chiếm lại gần 50 khu định cư ở khu vực trọng điểm Kherson, miền Nam đất nước, khi Kiev tìm cách đánh bật quân Nga trong một cuộc phản công
Moscow đã chiếm giữ gần như toàn bộ lãnh thổ của khu vực Kherson có tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược, nằm giáp với bán đảo Crimea, Reuters cho biết.
Nhưng trong những tuần gần đây, quân đội Ukraine, được hỗ trợ bởi các loại pháo tầm xa do phương Tây cung cấp, đã tìm cách tổ chức một cuộc phản công trong khu vực.
Các lực lượng của Kiev đã tiến hành các cuộc tập kích vào các kho đạn dược và các vị trí phía sau chiến tuyến của Nga và đánh vào các cây cầu đóng vai trò là các tuyến đường tiếp tế quan trọng cho quân đội của Moscow ở thành phố Kherson.
"Hôm nay, 46 khu định cư trong vùng Kherson đã được giải phóng", Thống đốc Dmytro Butriy nói với kênh truyền hình quốc gia Ukraine hôm 1/8.
Ông Butriy cho biết thêm rằng phần lớn các ngôi làng được lấy lại nằm ở phía bắc của khu vực, trong khi một số ngôi làng khác nằm ở phần phía nam, gần Biển Đen và khu vực Mykolaiv bị bắn phá nặng nề.
Vị Thống đốc này cũng đưa thêm thông tin rằng một số ngôi làng được tái chiếm "đã bị phá hủy 90% và hôm nay vẫn đang bị pháo kích liên miên".
Tình hình nhân đạo trong khu vực là "nghiêm trọng", ông cho biết, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi sơ tán của chính quyền đối với những người còn sống trong khu vực, "hãy di tản đến các khu vực an toàn hơn".
Trong một diễn biến khác, ông Oleksiy Arestovych, một cố vấn của Tổng thống Ukraine, nói với truyền thông rằng 22.000 quân Nga đang chuẩn bị tiến vào các thành phố Kriviy Rih và Mykolaiv, nơi một lực lượng Ukraine "đủ lớn" đang chờ sẵn.
Reuters không thể xác minh các báo cáo chiến trường.
Mỹ cáo buộc Nga dùng nhà máy điện Ukraine làm “lá chắn hạt nhân”
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 1/8 đã gọi các hành động của Nga xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine là "đỉnh cao của sự vô trách nhiệm", cáo buộc Moscow sử dụng nó như một “lá chắn hạt nhân” trong các cuộc tấn công vào các lực lượng Ukraine.
Hồi tháng 3, Nga bị cáo buộc nã đạn pháo vào gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia một cách nguy hiểm khi các lực lượng của họ tiếp quản nó trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine.
Washington “quan ngại sâu sắc” rằng Moscow hiện đang sử dụng nhà máy này như một căn cứ quân sự và nhắm bắn vào các lực lượng Ukraine từ các vị trí xung quanh đó, ông Blinken nói với các phóng viên sau hội nghị nhân dịp 50 năm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York hôm 1/8.
“Tất nhiên người Ukraine không thể bắn trả vì sợ rằng sẽ xảy ra tai nạn khủng khiếp liên quan đến nhà máy hạt nhân”, ông Blinken nói tiếp.
Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc hành động của Nga là “vượt ra ngoài việc sử dụng lá chắn sống”, và gọi nó là “lá chắn hạt nhân”.
Phái bộ Nga tại LHQ tại New York đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ Blinken.
"Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng các hành động của các lực lượng vũ trang Nga không làm suy yếu an ninh hạt nhân của Ukraine hoặc cản trở hoạt động thường lệ của nhà máy điện hạt nhân", phái bộ Nga tại LHQ cho biết trong một tuyên bố.
Theo tuyên bố trên, mục đích duy nhất của việc các lực lượng Nga tiếp quản Zaporizhzhia là để "ngăn chặn các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài lợi dụng tình hình hiện tại ở Ukraine để thực hiện một vụ khiêu khích hạt nhân với những hậu quả khó lường nhất".
Các quan chức Ukraine trước đó đã cáo buộc Moscow đóng quân và cất giữ thiết bị quân sự trong khuôn viên của nhà máy điện hạt nhân.
Tại cuộc hội đàm hôm 1/8, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine, Mykola Tochytskyi, cho biết "cần có những hành động chung mạnh mẽ để ngăn chặn thảm họa hạt nhân" và kêu gọi cộng đồng quốc tế "đóng cửa bầu trời" bên trên các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine.
Ngày 20/7, Nga cáo buộc Ukraine sử dụng 2 máy bay không người lái tấn công vào Zaporizhzhia, nhà máy hạt nhân lớn nhất ở châu Âu, nhưng cho biết rất may lò phản ứng không bị hư hại.
Công ty hạt nhân nhà nước của Ukraine, Energoatom, không bình luận về vụ việc liên quan đến máy bay không người lái trên.
Minh Đức (Theo Reuters, The Guardian, New York Post, The Verge)