Trước hết, cần phân biệt giữa bằng lái xe B1 và B2 có sự khác nhau như thế nào?
Bằng lái xe B1 và B2 đều có một đặc điểm chung lớn nhất là cả 2 loại bằng này đều cho phép người sử dụng điều khiển các phương tiện tham gia giao thông là các loại xe ô tô chở người từ 4 đến 9 chỗ, và các loại xe ô tô tải các trọng lượng dưới 3.5 tấn. Tuy nhiên bằng B1 và bằng B2 lại có những điểm khác nhau trong cách sử dụng:
- Bằng lái Hạng B1 cấp cho người chỉ lái xe số tự động và không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây: Ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; ôtô tải, kể cả ôtô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg; Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg.
- Bằng lái Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây: Ôtô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
Cả hai loại bằng này đều có thời hạn là 10 năm.
Tuy nhiên, do tính chất sử dụng được quy định khác nhau ngay từ đầu, vì vậy, có nhiều người sau một thời gian cầm lái ở bằng B1 muốn đổi lên bằng B2 để có thể được phép lái xe ô tô số sàn hoặc tham gia kinh doanh vận tải thì phải thực hiện theo các quy định của nhà nước.
Tại Điểm a, Khoản 4, Điều 8 Thông tư 46/2012/TT-BGTVT của bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ như sau: Người có bằng B1 muốn chuyển đổi lên bằng B2 cần có thời gian hành nghề từ một năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên.
Bên cạnh đó, Điều 10 thông tư này quy định về hồ sơ người học lái xe như sau:
1. Người học lái xe lần đầu lập 1 bộ hồ sơ nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo gồm:
- Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 của Thông tư này.
- Bản sao chụp giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn thời hạn.
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở ý tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
2. Người học lái xe nâng hạng lập 1 bộ hồ sơ nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo, bao gồm:
- Giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này.
- Bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 của Thông tư này và phải chịu trách nhiệm về nội dung khai trước pháp luật.
- Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng D, E (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ dự sát hạch);
- Bản sao chụp giấy phép lái xe (xuất trình bản chính khi dự sát hạch và nhận giấy phép lái xe).
Người học lái xe khi đến nộp hồ sơ được cơ sở đào tạo chụp ảnh trực tiếp lưu giữ trong cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe.
Như vậy, với người muốn nâng hạng giấy phép lái xe từ B1 lên B2 ngoài các giấy tờ cần thiết còn phải đảm bảo thời gian hành nghề từ một năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn. Đây là một điều rất cần thiết bởi lẽ, với bằng B2, người lái xe sẽ được phép tham gia kinh doanh vận tải, sẽ là những người phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về sự an toàn của những người khác. Kinh nghiệm và trách nhiệm luôn luôn là yếu tố hàng đầu quyết định cho sự thành công của bạn khi muốn chuyển đổi bằng lái xe.
LG. Anh Nguyễn