Muôn nẻo đường về của những đứa bé “Người rừng”

Muôn nẻo đường về của những đứa bé “Người rừng”

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Từ rừng sâu trở về, cuộc sống của những đứa trẻ “người rừng” chẳng hề dễ dàng như các nhân vật hư cấu Tazan và Mogli của Holywood.

Một buổi tối tháng 9/1731, người dân làng Songi, gần Chaloons, tỉnh Champagne, nước Pháp lần đầu thấy Memmie le Blanc đang loanh quanh tìm nước, trên tay cầm 1 chiếc que. Khi dân làng thả chó đuổi cô, Memmie đã ném cây gậy và giết chú chó trong tích tắc. Sau đó, cô nhảy qua xác chú chó, leo lên cây gần đó và ngủ thiếp đi.

Pháp luật - Muôn nẻo đường về của những đứa bé “Người rừng”

Rohom P’ngieng hoàn toàn xa lạ với xã hội loài người.

Người dân đã báo tin cho chủ nhân lâu đài Viscount d’Epinoy về cô bé lạ. Tò mò về đứa trẻ, ông đã cho người đi bắt Memmie về. Tại đây, cô bé được tắm rửa sạch sẽ. Lúc này mọi người mới phát hiện ra Memmie là người da trắng, mắt xanh, khoảng 9 đến 10 tuổi. Tuy nhiên, mọi phản ứng và hành động của cô lại như một con thú hoang. Khi nhìn thấy những con chim vừa mới được vặt lông, cô bé vội vàng vồ lấy, ăn tươi nuốt sống. Mọi người đã cố gắng bắt chuyện với cô bé bằng tiếng Pháp nhưng cô chỉ có thể giao tiếp bằng những tiếng la hét và khua chân khua tay.

Rồi Memmie được giao cho một mục sư chăm sóc, tuy nhiên, cô thường xuyên tìm cách trốn đi và giữ thói quen leo lên cây hoặc nằm dưới sàn để ngủ. Sau một thời gian được dạy dỗ, cô bé tiến bộ rất nhanh. Cô không gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng tiếng Pháp cũng như các phép cư xử của con người. Memmie có thể nói khá trôi chảy. Sau này, khi trở nên nổi tiếng toàn nước Pháp, Memmie cho mọi người biết cô bị bắt cóc vào năm lên 7 tuổi và đã phải trải qua những ngày tháng khủng khiếp nơi rừng rú.

Khác với trường hợp của Memmie, Rohom P’ngieng (29 tuổi) ở Campuchia lại không thể hòa nhập với xã hội loài người. “Cô gái hoang dã” Rohom mất tích năm 8 tuổi khi đang chăn trâu gần khu vực biên giới Campuchia. Năm 2007, Rohom được một người nông dân phát hiện khi đang ăn trộm thức ăn. Ông Ksor Lu khẳng định cô là đứa con gái bị mất tích 18 năm trước của mình qua vết sẹo trên tay cô. Ông đưa cô về nhà dạy nói và cách sinh hoạt như người bình thường.

Tuy nhiên, cô tỏ ra rất khó khăn trong việc làm quen với cuộc sống mới và cũng như Memmie, Rohom luôn tìm mọi cách trốn đi. Cô từ chối tắm rửa, không chịu dùng đũa để ăn và thường xuyên la hét hay gào khóc. Sau ba năm sống trong xã hội hiện đại, cô không nói được câu nào, chỉ “ú ớ” và đến tháng 5/2010, cô lại biến mất một lần nữa như hồi 8 tuổi. Cảnh sát và gia đình đã nỗ lực tìm kiếm Rohom nhưng vô vọng.

Thế giới cũng đã xuất hiện rất nhiều trường hợp những đứa bé người rừng giống Memmie và Rohom. Đa số những trường hợp này là bị bố mẹ bỏ rơi, bị bắt cóc, đi lạc trong rừng và không tiếp xúc với con người từ nhỏ trong quãng thời gian dài. Do sống biệt lập từ nhỏ, những đứa bé “người rừng” thường hành động giống động vật hoặc cư xử một cách hoang dã. Đặc biệt, tất cả đều có xu hướng muốn quay lại cuộc sống hoang dã của mình.

Một nhà tâm lý học cho biết: “Việc đào tạo một đứa trẻ hoang dã trở thành một người bình thường của xã hội là điều hết sức khó khăn. Khi chúng được “phát hiện”, người ta thường coi chúng như đối tượng để nghiên cứu khoa học và là đề tài khai thác của các phương tiện truyền thông, gây hiếu kỳ cho khán giả”.

Hồng Nhung (theo Mysteriouspeople/Telegraph)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.