Các quốc gia hối hả chống tin giả
Thuật ngữ "tin giả" (Fake News) trở nên phổ biến sau cuộc bầu cử Mỹ hồi năm 2016, nhưng sau đó đã lan ra rộng khắp ở châu Á, và dễ thấy nhất là ở các quốc gia Đông Nam Á.
Theo trang PolitiFact, tin giả là những chất liệu không thật, được nhào nặn công phu để trông giống các thông tin đáng tin cậy, dễ dàng lan truyền tới số đông. Dù tin giả luôn tồn tại, nhưng chính các phương tiện mới như mạng xã hội hay các ứng dụng nhắn tin đã giúp tin giả phát tán với tốc độ chóng mặt.
Đức là một trong những quốc gia hành động nhanh và kiên quyết trong cuộc chiến chống tin tức giả. Ngày 30/6/2017, Nghị viện Đức đã thông qua một dự luật nhằm xử lý các phát ngôn gây thù hận, các tài liệu phạm tội và các tin tức giả trên các mạng xã hội. Theo đó, các nền tảng mạng xã hội phải xóa bỏ các nội dung kể trên trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo, nếu không sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 50 triệu euro.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/12/2018 cũng đã công bố Hệ thống Kế hoạch hành động chống tin tức giả (APAD) giúp các nước thành viên cảnh báo lẫn nhau trước tình trạng tung tin giả mạo trên mạng nhằm chia rẽ chính trị và cổ súy cho chủ nghĩa cực đoan.
Mới đây nhất, ngày 8/5/2019, Quốc hội Singapore đã thông qua luật chống "tin tức giả mạo". Theo đó, chính phủ Singapore yêu cầu các mạng xã hội (MXH) như Facebook và Twitter gắn cảnh báo bên cạnh những nội dung đăng tải mà nhà chức trách xác định là giả mạo, đối với các trường hợp nghiêm trọng thì phải gỡ bỏ nội dung.
Nếu một hành động phát tán tin giả bị đánh giá là độc hại và gây tổn hại lợi ích của Singapore, các công ty có thể bị phạt tiền lên tới 1 triệu SGD (tương đương 735.000 USD). Người lan truyền tin giả với dụng ý xấu, gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích cộng đồng có thể đối mặt với bản án 10 năm tù.
Muôn hình vạn trạng của tin giả
Tại Việt Nam, một trong những sự cố lớn trong làng báo về tin giả là vào cuối năm 2016 liên quan đến vụ nước mắm nhiễm Arsen, khi nhiều cơ quan báo chí dẫn nguồn khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đăng tải thông tin sai sự thật, khiến nhiều người tiêu dùng lo sợ nước mắm truyền thống có chứa chất độc Arsen vô cơ (thạch tín) có hại cho sức khỏe.
Thực tế, thành phần Arsen có trong nước mắm truyền thống là Arsen hữu cơ, tồn tại tự nhiên trong hải sản và hoàn toàn không gây hại với sức khỏe con người. Dù các báo đăng thông tin sai sau đó đã đưa thông tin cải chính, nhưng vẫn ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng đối với nước mắm truyền thống.
Nguồn tin giả nhiều nhất tại Việt Nam là từ các mạng xã hội như Facebook hay Google. Có thể điểm qua một số vụ việc như vào tháng 7/2017, tài khoản Facebook Phạm Thị Mùi đăng hình ảnh cứu nạn máy bay kèm thông tin máy bay rơi tại Nội Bài vì mưa to. Tin giả này lập tức được phát tán rất nhanh trên Facebook. Dù sau đó đã gỡ bỏ nội dung, nhưng chị Phạm Thị Mùi vẫn bị cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra và bị xử phạt hành chính.
Hơn 1 tháng sau, ngày 12/9/2017, UBND TP. Thái Nguyên cũng đã xử phạt 12,5 triệu đồng đối với Đào Xuân Hòa (26 tuổi, ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) vì hành vi tung tin đồn “vỡ đập hồ Núi Cốc” trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận.
Thực tế tại Việt Nam, không ít nhà báo đã bị lừa bởi thông tin trên mạng xã hội. Chẳng hạn vụ đăng tải thông tin về dàn siêu xe gắn biển xanh của thành phố Cần Thơ, nhưng thực chất chỉ là xe đồ chơi mô hình được chụp dưới gầm giường, hoặc bài tập làm văn của em bé viết thư cho bố công tác ở đảo xa, hay cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có áo mới đến trường… Hệ lụy là nhiều cơ quan báo chí đã bị cơ quan quản lý nhắc nhở, xử phạt.
Có thể nói dù cố ý hay vô ý, các tin tức giả đã, đang và sẽ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, từ báo chí chủ lưu đến các loại hình truyền thông xã hội. Những câu chuyện giả mạo được chia sẻ rộng rãi trên truyền thông xã hội và sau đó được Google và các công cụ tìm kiếm khác xếp hạng cao giúp chúng được tìm thấy dễ dàng hơn và gia tăng cảm giác tin tưởng của người đọc đối với chúng.
Tin giả, nhưng hậu quả thật
Gần đây hơn là vụ việc sản phẩm bột canh Hải Châu bị các tài khoản Facebook và các trang tin tố lừa đảo người tiêu dùng vì không có hàm lượng I-ốt. Xuất phát từ một văn bản kiểm định mẫu bột canh Hải Châu tại Điện Biên hồi cuối 2018 có kết quả không chứa hoặc không đủ hàm lượng I-ốt, các cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra tại nhà máy sản xuất bột canh Hải Châu ở Hưng Yên trong tháng 3/2019, cũng như kiểm định độc lập trên sản phẩm bán tại hệ thống cửa hàng bán lẻ VinMart và đều có kết quả đủ hàm lượng I-ốt trong sản phẩm.
Theo lý giải từ phía công ty Hải Châu, mẫu kiểm định tại Điện Biên không xác định rõ được xuất xứ lô hàng, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản nên không loại trừ khả năng thành phần I-ốt bị bay hơi do bảo quản kém hoặc hết hạn dụng, hoặc thậm chí bị lẫn hàng giả.
Dù các cơ quan báo chí cũng đã vào cuộc, xác minh thông tin kiểm định bột canh Hải Châu và khẳng định đủ hàm lượng I-ốt, nhưng các thông tin sai lệch về vụ việc vẫn tiếp tục phát tán mạnh trên Facebook vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua khiến người tiêu dùng lo lắng. Hậu quả, công ty Hải Châu cho biết doanh số bột canh đã bị sụt giảm hàng chục tỷ đồng trong tháng 5/2019.
Một vụ việc khác là sản phẩm sữa tươi trong chương trình Sữa học đường tại Hà Nội của Vinamilk được bổ sung thêm 14 vi chất dinh dưỡng. Các thông tin về vụ việc từ báo chí chưa hẳn là tin giả, nhưng có nhiều quan điểm trái chiều nhau, cả ủng hộ và phê phán việc thêm vi chất dinh dưỡng vào sữa tươi, dẫn tới các thông tin đồn đoán thiếu chính xác ngoài lề vụ việc.
Ngay cả khi đã có kết luận của Thanh Tra Bộ Y tế và Viện dinh dưỡng Quốc gia về việc Vinamilk bổ sung 14 vi chất vào sữa tươi là hoàn toàn đúng quy định và hợp lý, thông tin đồn đoán và suy diễn về vụ việc vẫn tiếp tục được phát tán thành tin giả trên Facebook, khiến nhiều cha mẹ học sinh lo lắng và phản ứng bằng cách không cho con tiếp tục tham gia chương trình Sữa học đường.
Theo thông tin do Vinamilk cung cấp, hậu quả thiệt hại kinh tế trong vụ việc này là rất lớn, bị sụt giảm hơn 700 tỷ đồng doanh thu trong 40 ngày đầu quý II (so với 40 ngày cuối quý I). Chưa hết, cổ phiếu của Vinamilk còn bị mất giá 7.600 đồng/cố phiếu, tương đương bị giảm giá trị vốn hóa hơn 13.236 tỷ đồng.
Hệ lụy nghiêm trọng: Công chúng mất niềm tin vào truyền thông
Trong cuốn sách nổi tiếng The Sapien (Lược sử loài người), tác giả Yuval Noah Harari đã chỉ ra rằng trao đổi tin tức là nhu cầu căn bản của con người. Loài vượn cổ đại Homo Sapien đã tiến hóa thành loài người nhờ khả năng tán gẫu, chia sẻ thông tin, cơ sở để hình thành ngôn ngữ và tập hợp lại thành những bầy đàn lớn để phát huy sức mạnh tập thể. Cùng với khả năng chia sẻ thông tin, loài người tiền sử cũng đã hình thành khả năng tín nhiệm thông tin, tin tưởng nghe theo con đầu đàn để cùng săn bắt hái lượm và sinh tồn.
Nhu cầu cập nhật tin tức của con người hiện đại vẫn không thay đổi, chúng ta vẫn quan tâm đến những thông tin gần gũi với mình, có liên quan hoặc có khả năng tác động tới mình. Tuy nhiên, phạm vi tiếp nhận tin tức của con người hiện đại rộng hơn rất nhiều, từ môi trường hàng ngày xung quanh, từ sách báo, truyền hình, Internet… nên cách tiếp nhận cũng trở nên thụ động hơn, thiếu dần khả năng xác tín thông tin.
Với sự phát triển bùng nổ của các MXH như Facebook, tin tức trở nên tràn ngập và áp đảo các nguồn tin chính thống như báo đài, truyền hình cả về tốc độ và số lượng tin tức. Nhiều người chuyển sang đọc tin mới trên MXH vì nhanh hơn, bỏ thói quen đọc báo xem truyền hình, nhưng kèm theo đó là sự nhẹ dạ cả tin, thiếu thận trọng trước tin giả.
Không chỉ cả tin, người dùng các MXH còn bị tin giả lợi dụng tâm lý thích “câu like” để phát tán các nội dung có tính giật gân, gợi sự tò mò hiếu kỳ. Khi gặp các nội dung như vậy, chúng ta thường có phản xạ muốn chia sẻ ngay cho bạn bè mình mà không quan tâm nhiều tới việc đánh giá hay kiểm chứng thông tin là thật hay giả. Đó cũng chính là lúc chúng ta tiếp tay cho tin giả, vô tình trở thành người phạm pháp vì phát tán thông tin sai sự thật.
Ngoài những thiệt hại về kinh tế, một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất mà tin giả gây ra là làm suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông nói chung và của báo chí chủ lưu nói riêng. Tin giả khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận, luôn ở trạng thái ngờ vực, tham khảo cả những nguồn tin không chính thống dẫn đến bị nhiễu loạn thông tin.
Vì vậy, khi là một người sử dụng mạng xã hội, chúng ta nên chọn lọc tin tức từ những nguồn có độ xác tín cao, đồng thời tạo cho mình thói quen suy đoán xem độ chính xác của tin tức tới đâu. Để ngăn chặn sự phát tán của tin giả trên môi trường MXH, thì cách hiệu quả nhất là mỗi người dùng đều cần có khả năng đề kháng trước những thông tin sai sự thật và không tiếp tay cho việc phát tán.
Theo Vietnamnet