Đất Sài thành từ xưa đã là nơi cư trú của người Việt từ ba miền, bởi đó là miền đất hứa trù phú. Hàng triệu lượt người từ những vùng lân cận, đến những người từ miền Trung, miền Bắc xa xôi cũng tìm đến để lập nghiệp. Đến đây, họ chọn cho mình những nghề nghiệp khác nhau, người may mắn sẽ tìm được một việc ổn định, kém may mắn hơn nhiều người sẽ chọn cho mình những gánh hàng rong, buôn gánh, bán bưng. Từ đó, họ mang đến cho đất Sài Gòn một biểu tượng khó quên nhất, đó chính là âm thanh của những tiếng rao hàng.
Những người lần đầu tiên đến Sài Gòn có lẽ không khỏi bỡ ngỡ bởi những âm thanh đó, còn với những người con nơi đây dù có làm gì, đi đâu cũng không thể quên được những thanh âm thắm tình, nghe lạ mà hay của tiếng rao hàng. Dường như để đắt hàng, người bán hàng cố tình tạo ra những khúc rao thật ấn tượng, có khi là những câu thơ ngộ nghĩnh của anh bán kẹo kéo: "Cô nào chồng bỏ chồng chê/Ăn cây kẹo kéo chồng mê chồng về" hay "Kẹo kéo ăn béo đỏ da/Thuốc Tây thuốc ta thua xa kẹo kéo". Có khi chỉ là một câu rao ngắn mà không gọn bởi cách kéo dài âm tiết ở cuối như: "Bánh mì nóng hổi, vừa thổi vừa ăn đây!", thậm chí có khi đi kèm với tiếng rao lại là loại âm thanh đặc trưng nào đó...
Mỗi sáng, người dân trong xóm lao động đã quen thuộc với tiếng rao "Cháo sườn đây!" của anh bán cháo. Hay tiếng rao của những người bán xôi gấc, xôi vò, những xe bánh mì với âm thanh đặc trưng: "Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ, một ngàn một ổ" làm nhộn nhịp cả một con hẻm. Những người bán hàng thực phẩm chọn cách rao dễ dàng nhất là rao tất cả những món hàng mình bán cho người mua dễ nhận biết: "Khoai tây, khoai mỡ, cà chua, dưa leo, bắp cải, hành tây, cà pháo, cà tím đây". Về đêm, tiếng rao lại càng nhộn nhịp hơn, những âm thanh đó vang vang kéo dài suốt đầu hẻm đến cuối hẻm. Đường ngang ngõ dọc, hầu như khắp cả một vùng quen thuộc đêm nào cũng vậy. Ở Hóc Môn và Gò Vấp có những xóm sống bằng nghề bán bánh giò, bánh chưng đêm. Ở những con hẻm quận 10, người ta cũng quen với tiếng rao khó hiểu: "Xôi đậu xanh, a chàng a, xong phọc của cô bán xôi đậu, bắp giả".
Là vùng đất có sự du nhập của nhiều người của ba miền đất nước, cho nên tiếng rao trên đất Sài thành cũng được pha trộn từ âm thanh của ba vùng. Từ chất giọng đặc sệt Nam Bộ của những cô bán sương sa, hột lựu "Xu xoaaa, hột lưuụu, nước dưaaaà đây!". đến âm thanh quen thuộc của những người mua ve chai: "Ai giày dép, thau nhôm đồ mủ bể, ve chai, lông dịch (lông vịt), tập cũ sách cũ b..á..n.. hôn...". Còn những mệ, những o xứ Quảng khi đến vùng đất Sài Gòn đã gồng gánh trên vai đặc sản quê hương với giọng rao trọ trẹ: "Ai mua bánh bột lọc không?", "Ai ăn trứng vịt lột không?", "Bánh ú đây!"…
Có khi trong những khúc rao, người ta còn kịp nghe được cái chất giọng miền Bắc còn phát âm sai của các cô gái nhà quê: "Có ai bánh lếp, bánh chưng, bánh giầy lào!", "Ai cơm zịu, xôi vò không…". Lẫn trong những tiếng rao đó, có khi người ta còn bắt gặp giọng rao lơ lớ nghe ngồ ngộ: "Dzăng dzàng, dzăng bạc, chồng dzăng bịt dzăng, nhứt dzăng lau dzăng, nhổ dzăng, hỏn lau, lau hỏn lái tèn (Răng vàng, răng bạc, trồng răng, bịt răng, nhức răng, đau răng, nhổ răng không đau, đau không lấy tiền) của người Hoa ở vùng Chợ Lớn.
Ngày nay, khi mà công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi, người bán hàng cũng bắt đầu tiết kiệm tiếng rao của mình và thay vào đó là những âm thanh rao giùm của máy móc. Có thể lúc đầu không quen rồi đâm ra khó chịu nhưng rồi người Sài Gòn cũng quen dần với những tiếng rao ngộ nghĩnh từ người bán kem wall, bán keo dính chuột: "Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị, công ty hóa màu vừa cho ra đời một sản phẩm, đó là keo dính chuột" hay từ những máy cân đo sức khỏe: "Hoan nghênh đo chiều cao, cân nặng, thử sức kéo", còn khi nghe tiếng nhạc đập thùng thình có nghĩa là anh bán dạo băng đĩa nhạc và trăm thứ lỉnh kỉnh khác như lót giày, bơm ga bật lửa, móc chìa khóa đang quanh quất đâu đó.
Sự ồn ào, náo nhiệt của những tiếng rao đó dường như đã trở thành một nét văn hóa riêng của đất Sài thành mà mỗi người con khi đi xa đều nhớ.
Hạ Huyền