1. Thích nghi tốt với sân cỏ nhân tạo
Được biết, toàn bộ các trận đấu ở Giải vô địch U22 Đông Nam Á sẽ được tổ chức trên sân National Olympic, một sân vận động có mặt cỏ nhân tạo. Thời tiết thời điểm này ở Philippines nóng nực cộng với mặt sân cỏ nhân tạo khiến các cầu thủ ĐT U22 Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong trận đấu với ĐT U22 Philippines, dù chủ yếu kiểm soát bóng nhưng do độ nảy và tốc độ độ lăn của trái bóng trên mặt sân cỏ nhân tạo khác nhiều so với sân cỏ tự nhiên nên không ít lần các cầu thủ bị hẫng.
Như Phan Thanh Hậu từng lo lắng: "Chất lượng mặt sân đã ảnh hưởng khá nhiều đến chiến thuật của U22 Việt Nam. Với chiến thuật chủ yếu là đá nhỏ mà phải đá trên mặt sân cỏ nhân tạo thì xử lý bóng rất là khó. Hơn nữa, phải thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo khiến em và một số các bạn khác bị đau. Sau trận, chúng em đều phải chườm đá vì các ngón chân rất buốt và rát”.
Nếu muốn đạt được mục tiêu đã đề ra, các cầu thủ ĐT U22 Việt Nam phải biết thích nghi và vượt qua điều kiện thi đấu không quen thuộc thì mới giành được kết quả tốt trong những trận đấu sắp tới.
2. Dứt điểm chính xác
Trận đấu với Philippines, rất nhiều cơ hội cực kỳ ngon ăn từ các tình huống xâm nhập vòng cấm cũng như sai lầm của hàng phòng ngự đối phương nhưng không hiểu vì tâm lý hay thiếu may mắn mà ĐT U22 Việt Nam không thể nào ghi được bàn thắng.
Không dưới 5 lần các tiền đạo của chúng ta bỏ lỡ những cơ hội không tưởng. Trong phần lớn thời gian thi đấu, Bảo Toàn thi đấu dù rất nỗ lực và tạo ra được nhiều cơ hội ăn bàn nguy hiểm nhưng chân sút này lại vô duyên trong những pha xử lý cuối cùng. Phải nói một cách thẳng thắn, chiến thắng trước một đội hình còn thiếu kinh nghiệm như U22 Philippines, ĐT U22 của chúng ta vẫn còn điều đáng bàn. Nếu muốn vào chung kết U22 Đông Nam Á, đội hình của ông Nguyễn Quốc Tuấn cần giải quyết ngay hạn chế trong những pha dứt điểm quan trọng.
3. Hạn chế tối đa các pha phạm lỗi trong vòng cấm địa
Dù là ĐTQG hay U23 và cả U22 Việt Nam, các tình huống đá phạt trực tiếp luôn là cơn ác mộng với nhiều lứa ĐT Việt Nam. Nhiều tình huống đá phạt trực tiếp xuất phát từ việc hàng thủ của U22 Việt Nam mải dâng lên cao từ đó để lộ khoảng trống để đối phương tận dụng phản công. Ở những tình huống nguy hiểm như thế này các cầu thủ buộc phải phạm lỗi trước vòng cấm địa.
Phải nhận quả đá phạt trong vòng cấm địa vẫn chưa là cơn ác mộng cuối cùng. Khả năng bắt đá phạt của thủ môn chúng ta mới là điều thực sự đáng bàn. Sở dĩ người hâm mộ lo lắng trước mỗi quả đá phạt vì tỉ lệ dính bóng trong các pha đá phạt rất thấp. Để tránh bị đá phạt, các cầu thủ cần tránh dâng lên quá cao để rồi bị phản công và buộc phải phạm lỗi.
4. Loại bỏ hoàn toàn tâm lý chủ quan
Trước một đội bóng non yếu như U22 Philippines, các cầu thủ của chúng ta không tránh khỏi tâm lý chủ quan. Và họ phải trả giá vì điều đó. Bàn thắng mở tỉ số của Philippines như dội gáo nước lạnh vào các cầu thủ U22 Việt Nam.
Đã chính thức lọt vào bán kết, trận đấu sắp tới với Thái Lan tuy chỉ mang tính hình thức, tuy nhiên muốn vào tới trận chung kết, ĐT U22 Việt Nam phải loại bỏ hoàn toàn tâm lý chủ quan, tránh tạo sơ hở để bị phản công.
Đình Văn (Tổng hợp)