Đặc điểm của nghề làm người mẫu mặt là không yêu cầu về ngoại hình, chỉ cần có làn da sáng, đẹp, mái tóc mượt mà. Hiện nay, khi các trung tâm thẩm mỹ, lớp học trang điểm ngày càng nhiều, nhu cầu tìm người làm mẫu càng lớn. Khá dễ dàng thấy trên các diễn đàn của giới trẻ những lời mời gọi hấp dẫn như: "Cần tuyển 5 người mẫu ngồi trang điểm mặt và làm tóc, thời gian vào buổi chiều 2h/ca, với thù lao 40.000 đồng…".
Vừa được tiền vừa có kinh nghiệm
Nghề làm mẫu trang điểm mặt không vất vả chỉ cần có thời gian là giới trẻ có thể theo được nghề này. Nhiều bạn trẻ sau khi làm "mẫu mặt" có thể học được nhiều kinh nghiệm trang điểm như: Mắt một mí thì phải làm thế nào, đánh kem nền, tạo khối ra sao, đánh mắt kiểu gì cho phù hợp… và lâu dần sẽ có kinh nghiệm trang điểm như một "chuyên viên" thực thụ.
Thu Anh (sinh viên Trường Đại học Phương Đông, Hà Nội) cho biết: "Vì chỉ đi học buổi sáng nên em làm thêm nghề mẫu mặt cho một trường dạy trang điểm nghệ thuật ở phố chùa Láng. Công việc khá đơn giản, em chỉ cần đến ngồi làm mẫu, cho các giảng viên trang điểm lên mặt theo từng xu hướng thời trang là được. Nhóm em đã có ba bạn đi làm người mẫu mặt. Đây là công việc làm thêm thú vị nhất mà em đã từng làm".
Mức lương cho công việc này là 40.000 đồng/2h. Nếu làm người mẫu mặt và tóc thì mức lương có thể cao hơn, dao động 50.000 - 60.000 đồng/2h. Một tuần sẽ có 3 hoặc 4 buổi làm người mẫu, tùy vào yêu cầu của từng cửa hàng. Tính ra một tháng, số tiền kiếm được từ công việc này cũng kha khá.
Trần Kim Loan (sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), từng làm người mẫu trang điểm cho một công ty chuyên về mỹ phẩm, cho biết: "Mỗi buổi làm mẫu, em được trả công 150.000 - 200.000 đồng. Vì đây là công ty mỹ phẩm nổi tiếng nên giờ giấc cũng quy củ hơn. Thậm chí, em đã được làm với chuyên gia trang điểm nước ngoài". Được biết, ở công ty mỹ phẩm này, một số người mẫu mặt là nam giới. Gần đây, có hai nam sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thường xuyên làm người mẫu mặt cho sản phẩm kem chống nhờn của Nhật.
Thu Anh làm người mẫu trang điểm mặt
Nhiều bạn trẻ cho biết thêm, muốn học nghề trang điểm nhưng tham gia một khóa học thì rất tốn kém nên đành nghĩ ra cách "nhất cử lưỡng tiện" này: Làm người mẫu vừa có thu nhập mà lại có thể học được kinh nghiệm trang điểm. Còn chị Mai (chủ cửa hàng dạy trang điểm trên phố Mai Hắc Đế, Hà Nội) chia sẻ: "Để dạy các học viên cách trang điểm, chúng tôi cần người mẫu thực tế. Vì thế, cửa hàng thường xuyên tuyển người mẫu "make up" da mặt. Đây là công việc khá đơn giản và thu hút nhiều bạn trẻ đến đăng ký".
Mặt rỗ vì... mỹ phẩm kém chất lượng
Lĩnh vực thời trang và "make up" hiện nay rất phát triển nên nghề làm người mẫu mặt cũng đang dần có chỗ đứng trong công nghệ làm đẹp. Xu hướng thời trang theo phong cách, kéo theo cách trang điểm cũng phải phù hợp cho từng phong cách ấy cũng là nguyên nhân khiến ngành "make up" nở rộ. Một bộ thời trang thành công không chỉ là những bộ quần áo đẹp, người mẫu chuyên nghiệp mà "make up" còn đóng vai trò cực quan trọng. "Make up" tạo ra điểm nhấn, sự hài hòa hay cá tính của thời trang.
Mặc dù đây là công việc dễ dàng và "ngon ăn" nhưng không ít nguy hiểm đang rình rập các người mẫu. Thu Anh cho biết: "Lúc đầu, em chỉ nghĩ đơn giản là có thể học được trang điểm nên rất hồ hởi đi làm. Nhưng sau khi đi làm được một tuần, da mặt em bắt đầu xuất hiện những vết mụn đỏ. Em sợ và nghĩ là học viên dùng mỹ phẩm kém chất lượng nên không dám đi làm nữa".
Không riêng gì Thu Anh, rất nhiều bạn trẻ đi làm mẫu về mặt bị dị ứng, đỏ mẩn. Có những trường hợp nặng hơn thì phải tới bệnh viện da liễu để khám. Hơn nữa, trong quá trình làm người mẫu mặt còn có rất nhiều "sự cố" xảy ra.
Nhiều học viên mới như chưa quen tay nên khi kẻ mắt làm mắt bị lem nhem, kẹp mí chưa đẹp, tô son bị lem hay kim tuyến rắc trên da mặt về rửa mãi không hết khiến nhiều bạn phải rất vất vả để khắc phục "sự cố".
Thông thường, mỹ phẩm tại nhiều cửa hàng dành cho học viên học trang điểm là "đồ hàng chợ", hàng Trung Quốc kém chất lượng. Vì nếu dùng đồ "xịn" thì giá một khóa học rất cao, rất ít học viên đủ khả năng tham gia. Do đó, việc sử dụng mỹ phẩm cấp thấp trong quá trình học nghề của các học viên sẽ khiến người mẫu mặt có thể bị dị ứng.
Ngọc Anh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Sau năm tháng làm người mẫu trang điểm, em thấy mái tóc ngày càng xơ xác, da mặt thì bị xỉn đi. Ví thế, em đã xin chuyển sang làm nhân viên bán mỹ phẩm trong cùng công ty, dù tiền lương và thời gian không được thoải mái như khi làm nghề người mẫu trang điểm. Chúng em hiểu rằng, không phải cứ tô trát nhiều trên mặt là có làn da đẹp. Nhiều bạn thậm chí bị rỗ da mặt khi làm người mẫu trang điểm".
Thận trọng với hóa mỹ phẩm rẻ tiền Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có các trường dạy nghề trang điểm mới ký hợp đồng với người mẫu mặt. Còn hầu hết những cơ sở dạy nghề hay những công ty mỹ phẩm khi tuyển dụng người mẫu trang điểm đều không ký hợp đồng hay có bất cứ một chế độ bảo hiểm nào cho người lao động. Vì vậy, giới trẻ muốn làm nghề này nên thận trọng tìm hiểu kỹ thông tin về công ty hay các trung tâm để tránh tình trạng gương mặt, mái tóc của mình bị đem ra thử nghiệm với các loại hóa mỹ phẩm rẻ tiền. |
Lạc Thành