Tết trải nghiệm
Với Nguyễn Tây Khoa, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm (TP.HCM) quê ở Tây Ninh, dù khoảng cách địa lý không quá xa, quá khó để về nhà, nhưng Khoa cho biết vì gia đình khó khăn nên muốn tranh thủ dịp tết để làm thêm, kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.
“Dịp này sinh viên rất dễ kiếm việc và có thu nhập cao. Chịu khó làm việc trong những ngày tết, mình có thể phụ gia đình đóng tiền học phí, mua sắm sách vở cho học kỳ sau. Nghĩ đến đó cũng thấy vui phần nào”, Khoa chia sẻ.
Tây Khoa (thứ hai từ phải sang) cùng bạn bè trải nghiệm làm thêm những ngày Tết |
Khoa tâm sự, không ai muốn ăn tết xa nhà, xa gia đình, người thân nhưng nếu chỉ nghĩ tới nỗi buồn xa quê thì sẽ để cái tết trôi qua một cách tẻ nhạt.
“Mình thấy đi làm thêm cũng mang lại những niềm vui, dù nho nhỏ trong những ngày xuân. Nhìn người ta đông đúc đi trẩy hội, mình hòa vào dòng người sôi động đó cũng thấy vui lây”, Khoa nói.
Năm nay, Khoa vừa làm thêm ở khu Du lịch Suối Tiên ban ngày, vừa nhận trực bảo vệ ở trường vào ban đêm. Công việc bận rộn khiến Khoa cảm thấy vui hơn, vì cùng làm việc với Khoa còn có nhiều bạn cũng đồng cảnh ngộ đón tết xa quê.
“Nhóm bạn của mình từ các nơi đã có hơn 10 người nên khi cùng làm, cùng chia sẻ, ghi lại hình ảnh đáng nhớ thì thấy rất vui”, Khoa nói thêm.
Sinh viên hào hứng dịp Tết ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM |
Đào Tuấn Vũ, sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thì chia sẻ đây là lần đầu tiên chọn ăn tết xa nhà. Đối với Vũ, việc chọn ăn tết xa nhà thực sự không phải dễ dàng, nhưng Vũ muốn cảm nhận cảm giác mới mẻ của cuộc sống.
“Ba mẹ không ủng hộ mình ở lại thành phố ăn tết, nhưng mình đã thuyết phục để được ở lại, phần để tiết kiệm tiền về quê”, Vũ nói.
Theo Vũ, tranh thủ đi làm thêm những ngày tết cũng là dịp để có thêm hiểu biết và kinh nghiệm khi đi làm, có thêm những trải nghiệm mới, đó cũng là những niềm vui.
Ấm lòng tết xa quê
Để cái tết thêm ấm áp, nhiều sinh viên chọn cách quy tụ những bạn đồng cảnh ngộ để ở cùng nhau và tổ chức những bữa tiệc giản dị, ấm áp.
Chẳng hạn như nhóm của Tăng Thế Anh, sinh viên năm 2 - Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM. Đêm giao thừa, Thế Anh cùng các bạn là sinh viên ở nhiều tỉnh thành cùng nhau chuẩn bị thức ăn, nước uống. Thời gian chuẩn bị cho “tiệc tất niên mini” cũng là thời gian các bạn trẻ cảm thấy lòng ấm lại vì cảm nhận được không khí rộn ràng của mùa xuân.
Tiệc "tất niên mini" của sinh viên trong ký túc xá |
Hay như trường hợp của Thái Thị Nga, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM. Cả 4 năm học đại Nga chưa một lần có dịp về quê đón tết cùng gia đình ở Thanh Hóa. Vậy nên vào giao thừa mỗi năm, Nga đều chọn cách tự tạo cho mình những niềm vui nhỏ với các người bạn cùng ở lại.
“Mỗi người một nơi cùng nhau họp mặt ở ký túc xá. Cả nhóm cùng chuẩn bị thức ăn rồi ngồi lại với nhau kể chuyện. Những câu chuyện dịp tết khiến mọi người nhớ lại không khí ăn tết ở quê nhà. Tiếng cười, tiếng nói của các bạn cũng khiến nỗi nhớ quê vơi đi”, Nga tâm sự.
Còn Trần Thanh Phương, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM cũng tiếp tục ăn tết xa quê lần thứ 2. “Cũng vì gia đình không có điều kiện để mua vé tàu xe nên Phương đành ở lại thành phố ăn tết, tiết kiệm tiền cho gia đình. Lần đầu tiên ở lại còn thấy bỡ ngỡ và buồn lắm nhưng năm nay thì tự tìm cho mình niềm vui”, Phương kể. Với Phương, việc đến thăm bạn bè, thầy cô dịp tết cũng là cách chia sẻ và đón nhận những niềm vui.
Theo TNO