Ngày 6/2, tờ albawaba dẫn lời các nguồn tin chiến trường cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria đã bắn hỏa lực qua lại ở gần tỉnh Aleppo.
Vụ pháo kích, được cho là bắt đầu bởi lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria, đánh dấu mốc leo thang căng thẳng cho cuộc chiến tại Syri. Đây là diễn biến gây lo ngại bởi nó diễn ra ở vùng giảm xung đột, nơi được thiết lập nhằm giảm bớt tình trạng bạo lực.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ và quân ủng hộ Chính phủ Syria tấn công qua lại cho thấy vai trò đang thay đổi của Ankara trong cuộc chiến và sự mất uy tín của những thỏa thuận về vùng chống xung đột.
Cuộc chiến tại Syria đến nay đã kéo dài 7 năm và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Mùa hè năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nga và Syria đã tập hợp tại Astana, Kazakhstan nhằm thảo luận về kế hoạch thiết lập các vùng chống xung đột, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động viện trợ, khuyến khích người dân ở lại quê hương.
Thổ Nhĩ Kỳ được giao nhiệm vụ gìn giữ thỏa thuận tại tỉnh Idlib, cùng với Nga và được “bật đèn xanh” đi vào tỉnh phía Tây Bắc Syria này, thiết lập các tiền đồn quan sát, đảm bảo trật tự, hòa bình tại khu vực.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã lợi dụng thỏa thuận đó để thiết lập các tiền đồn đầu tiên dọc theo biên giới ở tỉnh Idlib và Afrin – một vùng đất rộng lớn được kiểm soát bởi các chiến binh người Kurd, trong đó có Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).
Thổ Nhĩ Kỳ coi nhóm này là tổ chức khủng bố vì có liên hệ với nhóm nổi dậy người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, được biết đến với cái tên Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Thay vì gìn giữ hòa bình, Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng thỏa thuận làm bàn đạp để tấn công Afrin trong chiến dịch “Nhành Oliu” mà cho tới nay lực lượng của họ đang được đà thắng thế.
Khi bao vây Afrin, các đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã đi xuyên qua Idlib hướng về Aleppo, nơi quân Chính phủ kiểm soát.
Đoàn xe của Thổ Nhĩ Kỳ gồm có 100 chiếc, gồm nhiều xe tăng hạng nặng, lái về Aleppo trước khi bị bắn phá bởi các đợt pháo kích của quân ủng hộ Chính phủ Syria. Tuy nhiên, theo tờ Al Monitor, máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập không phận của Syria để đảm bảo lối đi thông thoáng cho đoàn.
Sau đó, đoàn xe đi về thị trấn Al-Eis, nằm dọc theo đường quốc lộ chiến lược mà Chính phủ Syria luôn bảo vệ trong suốt 2 năm qua.
Lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad và đồng minh đã duy trì một căn cứ ở Hader, một thị trấn nằm cách đó vài kilomet về phía Đông của Al-Eis. Thổ Nhĩ Kỳ giờ đang muốn biến Al-Eis thành một địa điểm để xây dựng tiền đồn.
Trên thực tế, điều đó có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn chặn đứng đường đi của lực lượng Chính phủ Syria và đồng minh, làm chậm kế hoạch tái chiếm phần lớn diện tích còn lại ở tỉnh Idlib.
Việc quân ủng hộ Chính phủ Syria bắn phá Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nỗi lo lắng của Damascus về việc Ankara sẽ kiểm soát Idlib, theo cách có thể đe dọa tới sự thống nhất của đất nước Syria.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đợt bắn phá lần này diễn ra khi Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng tiền đồn thứ 4.
Ankara dự định sẽ xây thêm 8 tiền đồn nữa, nâng tổng số lên thành 12, để tiếp tục củng cố vị trí của mình tại khu vực, kéo dài từ phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ lên tới vùng phía Nam của tỉnh Idlib.
Theo các chuyên gia quân sự, những tiền đồn mà Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng không được sử dụng vào mục đích quan sát và gìn giữ hòa bình ở Idlib, mà để theo dõi các đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ví dụ như lực lượng chiến binh người Kurd và quân ủng hộ chính quyền Syria cùng đồng minh.
Như vậy, các thỏa thuận chống xung đột ban đầu được tạo ra với mục đích giảm căng thẳng, bạo lực cho cuộc chiến Syria, nhưng nay đã bị phớt lờ bởi các bên đàm phán và trung gian.Thậm chí có ý kiến cho rằng nó còn bị biến thành công cụ để củng cố chỗ đứng ở Syria, giống như Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện.
Xem thêm: Su-25 Nga bị bắn ở Syria: Cuộc chiến sinh tử, kịch bản khó lường