Mưu sinh ở cửa 'thủ phủ' rắn Ma Thiên Lãnh

Mưu sinh ở cửa 'thủ phủ' rắn Ma Thiên Lãnh

Thứ 3, 19/03/2013 22:13

Xanh xanh một màu cây cỏ, huyền bí một sắc khí trời, sợ một lẽ dĩ nhiên giữa hoang sơ rừng rú chiếm trọn vùng thung lũng Ma Thiên Lãnh, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” rắn khổng lồ. Trên vùng đất này, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc và nghe chị Hà kể chuyện hơn 15 năm lên “thủ phủ” rắn mưu sinh và trở thành người “giữ cửa” bất đắc dĩ.

Con đường hoang vu cây cỏ dẫn lên Ma Thiên Lãnh ngày trước đã được chính quyền địa phương trải nhựa để tiện đường du khách khám phá xứ sở của thung lũng rắn. Nhưng dù có đổi thay, vùng đất này vẫn còn toát lên sự lạnh lẽo của rừng sâu và vắng vẻ, u tịch từ tầng tầng lớp lớp cây cỏ đan xen cổ thụ hai bên con đường như bắc thang lên trời.

Lạ & Cười - Mưu sinh ở cửa 'thủ phủ' rắn Ma Thiên Lãnh

Đậu xe bên cạnh con suối nhỏ nứt ra từ những phiến đá xanh, chúng tôi tìm người hỏi thăm đường lên chốn thâm u để liều lĩnh tận mắt thấy rắn núi khổng lồ từ những người đàn ông đang ngập trong men rượu tỏ vẻ khinh khi trước ước muốn không tưởng của chúng tôi. Một người trong số cất tiếng lè nhè hơi men: "Khùng hay sao mà đòi vô Ma Thiên Lãnh tìm rắn, hết muốn ăn tết sao? Rắn giờ này ngủ hết rồi, tối mới ra, ra thì cả bầy nhé, tha hồ mà chạy". Khác hẳn sự sỗ sàng của mấy gã đàn ông be bét rượu, một chị tiến gần về phía  chúng tôi, cất tiếng nói ngọt nhẹ: "Mấy đứa lên đây tham quan hay săn rắn, tham quan thì được chứ săn rắn là kiểm lâm bắt đó". Nói qua lại vài câu, chúng tôi biết được chị tên Hà, người đàn bà duy nhất dám lên Ma Thiên Lãnh bán quán cho khách tham quan và mấy tên thợ săn rắn, ốc núi, thằn lằn suốt 15 năm qua.

Dưới mái che tạm bợ, chị Hà hồn nhiên kể chuyện 15 năm lên thủ phủ rắn mưu sinh: "Làm ăn dưới thị xã Tây Ninh thất bại, chán nản tôi theo chồng dời về xã Thạnh Tân, một xã nghèo nằm vùng rìa ngoài của thị xã náo nhiệt. Ban đầu, hai vợ chồng chỉ làm rẫy trồng bắp, chuối, hoa màu, tiền lời đủ cơm ăn ba bữa cho mấy đứa con nhỏ. Đất trồng không nhiều nên hai vợ chồng làm liều lên vùng thung lũng Ma Thiên Lãnh khai hoang, phá đá làm rẫy, nhưng đất cứng chỉ trồng được chuối, xoài thôi. Lúc này, chưa ai biết đến Ma Thiên Lãnh như một điểm tham quan cảnh đẹp mà chỉ biết chỗ này nhiều rắn rết. Thời gian làm ở đây, vợ chồng tôi đâu dám ở lại đêm, hễ trời vừa nhập nhoạng tối phải cuốn đồ đi thiệt nhanh xuống chân núi".

Nhà chị Hà nằm dưới chân núi, cạnh đường dẫn lên Ma Thiên Lãnh, ngày ngày khi trời tờ mờ sáng, chị lại dậy sớm, lo cơm nước cho chồng con rồi ra chợ mua hàng mang lên “thủ phủ” rắn. Khách hàng quen thuộc của chị là mấy thanh niên đam mê leo núi, thích trải nghiệm cảm giác ăn sương nằm gió ở trên đỉnh núi Bà hay mấy tay săn rắn, thằn lằn ghé quán làm ít rượu đế cho ấm bụng trước mỗi cuộc đi săn.

Dường như, chị đã mất đi cảm giác sợ hãi trước người lạ và cảnh vật, thú rừng ở cửa vào Ma Thiên Lãnh. Chúng tôi hỏi thẳng chị không sợ mấy ông nhậu say rồi làm bậy hoặc rắn rết bò vào hay sao? Chị thản nhiên cười sảng khoái: "Sợ gì mấy ông đó, nhậu say đi lung tung trong Ma Thiên Lãnh, tôi còn phải lôi về, chửi cho một trận nữa chứ. Còn rắn hả, tôi sợ chứ nên trời nhập nhoạng tối là thu đồ đạc về, bị rắn cắn ở đây chỉ có nước chết".

Quán nhỏ của chị là cửa vào Ma Thiên Lãnh, có vài chai nước suối, nước ngọt được ướp lạnh đàng hoàng, vài bịch khô, bánh tráng, kẹo và bánh ngọt, rượu thì lúc nào cũng có sẵn cho mấy ông đi rừng. Vài món đồ khô, nước uống thường bán cho mấy bạn trẻ thích lên đây chụp ảnh, cắm trại, hoặc leo núi. Quán cũng là cửa lên núi cao, nơi được mệnh danh “thủ phủ” rắn, ai muốn lên núi cũng phải băng ngang qua quán. Quán nhỏ của chị là túp lều được dựng tạm trên khoảng đất trống rộng hơn mấy tảng đá xếp chồng một chút. Lều chỉ có thể che nắng bằng mấy tấm bạt nhựa đã bạc màu, còn mưa to gió lớn thì ngày hôm sau phải dựng lại.

Lạ & Cười - Mưu sinh ở cửa 'thủ phủ' rắn Ma Thiên Lãnh (Hình 2).

Chị Hà, kể chuyện rắn ở Ma Thiên Lãnh một cách hồn nhiên.

Và trở thành thổ địa của Ma Thiên Lãnh

15 năm gắn bó với Ma Thiên Lãnh, chị Hà am hiểu từng ngõ ngách, thuộc làu những câu chuyện về rắn khổng lồ, và rành rọt địa hình như lòng bàn tay. "Hai vợ chồng tôi lên đây làm rẫy cả ngày nên chỗ nào có nước, chỗ nào mát, chỗ nào nằm ngủ, chỗ nào nguy hiểm tôi biết rõ hết. Khách du lịch lên đây mà không biết đường tham quan, tôi chỉ chi tiết từng góc, từng cảnh cho mà xem", chị Hà cho biết.

Ma Thiên Lãnh là một vùng thung lũng nằm lọt thỏm giữa núi Phụng, núi Heo và núi Bà Đen, thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh. Điều kiện tự nhiên cho thung lũng một vẻ đẹp được ví như Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ. Khí trời mát mẻ, buổi sáng có sương bay là đà trắng xóa, buổi chiều có khói chìm lúc dày lúc thưa. Dọc theo các sườn núi là những cánh rừng bạt ngàn, xanh thắm, có khá nhiều cổ thụ quý hiếm, xen lẫn trong cây rừng là những vườn chuối, xoài, mãng cầu... bên cạnh những túp lều nhỏ của chủ vườn cất tạm để canh giữ hoa màu, cây trái.

Kèm với vẻ ngoài hùng vỹ, Ma Thiên Lãnh còn ẩn chứa nhiều huyền bí mà ai cũng khao khát khám phá. Ngoài cảnh vật ngoạn mục, kỳ vỹ hiếm thấy, Ma Thiên Lãnh có nguồn động vật khá đa dạng, vô cùng độc đáo. Khi chúng tôi vừa đặt chân đến, tai đã nghe tiếng suối reo, chim hót, khỉ gọi bầy, cảm nhận được từng làn gió đưa hương cỏ cây ngọt mát, những chú sóc chuyền cành liến thoắng, xù lông khi thấy con người. Và còn một loài động vật mà chúng tôi đang tìm kiếm nhưng chưa nhìn thấy, đó là những chú rắn khổng lồ trong câu chuyện kể của người địa phương.

"Người dân ở đây cất chòi để canh và làm vườn vào ban ngày, khi đêm xuống họ lại lục đục xuống chân núi về nhà, tuyệt nhiên không ai dám ở đêm trên núi. Sống ở vùng này lâu như vậy, tôi cũng nghe nhiều, mỗi người chạm trán với rắn theo cách khác nhau, riêng tôi cũng đã một lần thấy rắn", chị Hà vừa khuấy ly chanh đá vừa kể chuyện gặp rắn cho chúng tôi nghe.

Chị Hà nhớ, năm đó, hai vợ chồng đang phát cỏ làm rẫy thì phát hiện từ hang đá một con trăn khổng lồ trườn ra phía bờ suối. Hai vợ chồng không ai dám mở miệng chỉ biết nín thở nhìn nhau. Con trăn bò xuống suối rồi nhanh chóng rúc vào một bụi cây um tùm. Theo chị Hà, những con rắn khổng lồ trong câu chuyện của người địa phương sống lâu năm ở đây đồn đại có lẽ là loại trăn mà hai vợ chồng chị nhìn thấy. Đó là loại trăn gấm có kích thước to vào hàng bậc nhất của loài bò sát này, cơ thể có nhiều họa tiết lưới có màu sẫm.

Lần đầu tiên, vợ chồng chị tận mắt nhìn thấy một con trăn khổng lồ. Mấy dịp trước khi khai hoang, hai vợ chồng chỉ thấy những mẩu da rắn đã khô vừa lột còn bỏ lại, to bằng bắp vế người lớn. Rắn ở Ma Thiên Lãnh chưa thấy cắn chết người bao giờ nhưng chúng hay ăn gà vịt. Nhiều khi, rắn bò xuống nhà dân dưới chân núi bắt gà, chó ăn thịt, làm người dân hoang mang nhưng loài bò sát này chẳng bao giờ gây sự với con người nếu không bị tấn công trước.

Nhiều người đi bắt ốc núi vào ban đêm thường đụng độ với rắn, thường những người này chọn cách né tránh loài rắn rừng khổng lồ, không ai dại đối mặt với chúng giữa đêm tối ở nơi hoang vu. Trước đây, Ma Thiên Lãnh luôn có sự hiện diện của nhiều kẻ săn bắt rắn nhưng hiện nay, kiểm lâm bảo vệ ráo riết, kiểm kê rất gắt gao nên người đi bắt rắn dần thưa thớt. Từ năm 1997 đến nay, mỗi năm, chi cục Kiểm lâm Tây Ninh tổ chức 4-5 lần thả động vật hoang dã trong đó có rắn về với quần thể núi Bà Đen.

Lên rừng làm rẫy, mở quán bán hàng, chị Hà có điều kiện tiếp xúc nhiều với cảnh vật thủ phủ rắn Ma Thiên Lãnh nên am hiểu từng chân tơ kẽ tóc. Chị biết con suối nhỏ bắt đầu từ đâu, biết hang đá nào có rắn, cái cây nào bao nhiêu năm, góc núi nào có cảnh đẹp. Chị tự hào tâm sự: "Mấy đứa rảnh ở lại đây tôi dẫn đi tham quan cho bằng hết Ma Thiên Lãnh. Cảnh đẹp như Đà Lạt, có suối, có núi, có rừng cây, các đôi uyên ương hay tìm đến đây chụp ảnh, không mất tiền vẫn có ngoại cảnh đẹp, có người dẫn đường".

Chị hướng mắt ra phía tảng đá chênh vênh giữa vạt rừng và bật mí: "Ngồi lên tảng đá đó sẽ thấy sảng khoái và mát mẻ lắm đó". Chúng tôi nhìn nhau bỗng thấy tự hào về người phụ nữ nhỏ bé này.

Sẽ là Đà Lạt thứ hai ở Đông Nam Bộ

Chị Phạm Thị Sương, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết: "Hiện tỉnh đang có dự án đầu tư phát triển Ma Thiên Lãnh trở thành khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa thể tiến hành vì chưa kêu gọi được nhà đầu tư cũng như nguồn vốn chưa ổn định. Nếu được phát triển hợp lý, Ma Thiên Lãnh chắc chắn sẽ trở thành Đà Lạt thứ hai ở Đông Nam Bộ". Về việc người dân truyền miệng vùng này có nhiều rắn rết, chị Sương cũng ngỡ ngàng: "Chắc cũng có nhưng không nhiều như người dân đồn đại, với lại rắn cũng chỉ ra ban đêm, ban ngày khó mà thấy được".     


Ngọc Lài - Hà Nguyễn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.