Nhọc nhằn mưu sinh
Hồ Ea Kao (thuộc địa bàn xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) không chỉ được biết đến với khung cảnh thơ mộng, hoang sơ, mà nơi đây còn mang lại nguồn lợi thủy sản lớn, tạo kế sinh nhai cho không ít người dân địa phương.
Để có được những con cá tươi ngon kịp phiên chợ sáng, ngư dân hồ Ea Kao phải làm việc thâu đêm.
Đồng hồ chỉ 1h sáng, ông Hoàng Đức Long (trú tại thôn Cao Thắng, xã Ea Kao) vội vã đội chiếc đèn pin lên đầu rồi leo lên chiếc thuyền nhỏ sẵn sàng cho cuộc hành trình mưu sinh trên hồ nhân tạo lớn nhất ở Đắk Lắk.
Trong bóng tối mịt mù, tiếng ếch nhái kêu văng vẳng, thuyền của ông Long vẫn đi qua dòng nước êm ả. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, ông Long luôn mang theo bên mình chiếc áo phao và can nhựa.
Khi thuyền cách bờ hồ khoảng 300m, ông Long dừng lại và bắt đầu quăng từng đoạn lưới đã chuẩn bị xuống hồ nhằm hy vọng bắt được những con cá đang tung tăng dưới mặt nước. Đến khi thấy cá bị mắc đầy lưới, ông chậm rãi kéo lên thuyền rồi dùng đôi tay khéo léo của mình để nhặt từng con cá.
Nở nụ cười hiền, ông Long chia sẻ: “Hơn 10 năm nay, trừ những ngày mưa to gió lớn, tôi đều ra hồ Ea Kao đánh bắt cá vào mỗi đêm để có thêm chi phí lo cho những sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên, việc mưu sinh trên hồ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có những đêm, tôi bắt được từ 10-20kg cá các loại như cá rô phi, cá chép, cá trôi, cá trắm, cá mè... May mắn hơn, cách đây khoảng 3 năm, tôi bắt được con cá trắm đen nặng 20kg ngay tại hồ nước này. Thế nhưng, cũng có đêm chỉ được vài con, thậm chí không bắt được con cá nào”, ông Long cho hay.
Dù ít hay nhiều, vào khoảng 4h30 sáng, ông Long đều dừng đánh bắt và trở về nhà để đưa cá cho vợ mang ra chợ bán. Nhờ vậy, mỗi đêm, ông kiếm được khoảng 200-300.000 đồng, cũng có đêm được 500.000 đồng.
Ngoài việc dùng thuyền, ông Thịnh (một người dân trú tại thôn 1, xã Ea Kao) còn đầu tư hàng chục triệu đồng làm vó để đánh bắt cá trên hồ Ea Kao. Ông Thịnh cho hay, nghề đánh bắt cá đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông suốt hơn 30 năm nay.
“Trước đây, tôi dùng chiếc thuyền nhỏ tự đóng chèo ra giữa hồ và thả lưới bắt cá nhưng lượng cá mỗi ngày chỉ đạt vài chục kilôgam. Vài năm trở lại đây, tôi đã đầu tư hơn chục triệu đồng để chế tạo vó đánh bắt cá chuyên nghiệp. Nhờ vậy, tôi có thể bắt được hàng tạ cá mỗi ngày”, ông Thịnh nói.
Không chỉ vậy, hàng ngày, còn không ít người dân đến hồ Ea Kao, rồi trầm mình dưới nước để bắt hến về cải thiện bữa ăn và có thêm thu nhập.
Trong bộ quần áo ướt sũng, thấm vị tanh của bùn, ông Y Cưu Bkrông (53 tuổi, trú tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao) cho biết: “Hàng năm, khi hồ Ea Kao vào mùa nước cạn, gia đình tôi đến đây bắt hến để kiếm thêm thu nhập. Những năm trước, hai vợ chồng tôi đã bắt được 2 tạ hến mỗi buổi sáng, mang về bán và kiếm được tiền triệu. Tuy nhiên, năm nay, lượng hến giảm đáng kể nên mỗi ngày, cả hai vợ chồng chỉ bắt được 10kg, bán với giá 12-13.000 đồng/kg”.
Theo người dân nơi đây, công việc bắt hết tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng vất vả. Người bắt hến phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, dễ bị nấm ngứa, đau lưng, đau khớp. Hơn nữa, nguy hiểm từ mảnh chai hay vật sắc nhọn cũng là những rủi ro mà người dân bắt hết thường xuyên phải đối mặt.
Nói đến đây, ông Y Cưu lội lên bờ rồi dơ đôi bàn chân sần sùi và đầy những vết sẹo để chứng minh cho những nhọc nhằn, vất vả mà những người đi bắt hến phải chịu đựng.
Cầm chai nước uống ừng ực từng ngụm, ông Y Cưu chia sẻ: “Dẫu biết công việc bắt hến rất cực nhưng vào mùa khô, không có công việc nương rẫy, cũng không ai thuê đi làm nên nghề bắt hến trở thành nguồn thu nhập duy nhất của vợ chồng tôi”.
Chia tay vợ chồng ông Y Cưu, chúng tôi bắt gặp chị H’Rớt Knul (trú tại buôn Kao, xã Ea Kao) đang cặm cụi dùng chiếc cào để kéo từng con hến từ đống bùn đất. Với khuôn mặt đen sạm vì sương gió, chị H’Rớt cho hay, nhờ bắt hến đã giúp chị kiếm được từ 130-150.000 đồng mỗi ngày, có thêm kinh phí để nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn học.
Đáng nói, dù đằm mình dưới nước cả ngày để mưu sinh nhưng bữa trưa của những người bắt hến chẳng có gì ngoài bánh mì không. Chị H’Rớt nói: “Khi trời nắng gắt, nước hồ Ea Kao trở nên ấm hơn sẽ thuận lợi cho việc bắt hến. Do đó, dù nhà chỉ cách hồ vài kilômet nhưng chúng tôi không về mà tranh thủ ăn bữa trưa đơn giản ngay tại hồ để tiếp tục công việc”.
Bắt được cá khủng nhờ thú vui câu cá
Hồ Ea Kao không chỉ là nơi mưu sinh của nhiều người dân mà còn là điểm đến thú vị của những người tìm kiếm sự thư giãn và thỏa mãn đam mê câu cá.
Mỗi khi đến đây, họ không quan tâm đến việc bắt được nhiều hay ít cá mà muốn được hòa mình với thiên nhiên sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng. Theo đó, dù ngồi cả ngày, giật cần câu mỏi tay chỉ được vài con cá nhỏ nhưng chẳng ai than phiền hay tỏ ra thất vọng.
Anh Nguyễn Văn Bình (một người dân trú tại thành phố Buôn Ma Thuột) cho rằng, câu cá là một môn thể thao vô cùng đặc biệt khiến tôi bị cuốn hút, thậm chí bị “nghiện”.
Câu cá không chỉ giúp thư giãn mà còn rèn luyện cho con người tính nhẫn nại, tỉ mỉ và cách làm việc khoa học. Chính những phút giây kiên nhẫn làm mồi, chuẩn bị cần, chờ đợi cá cắn câu,… tạo ra thời gian tĩnh tâm để chúng ta suy nghĩ về cuộc sống, công việc và những mục tiêu cần đạt đến.
Anh Bình càng cảm thấy hưng phấn và tim đập nhanh hơn mỗi khi cá ăn mồi và giật câu. Ngay cả khi không câu được con cá nào, anh cũng rất vui vẻ và hạ quyết tâm lần sau sẽ câu được cá. Với niềm vui và sự hứng khởi đó, nhiều năm nay, cứ có thời gian rảnh, anh Bình lại chạy xe máy, lỉnh kỉnh đồ đạc, vượt chặng đường hơn 10km, thậm chí trốn vợ đến hồ Ea Kao để thỏa niềm đam mê câu cá.
“Việc câu cá đòi hỏi công phu, từ việc sắm một chiếc cần chuẩn, mồi câu ngon, chọn vị trí thả câu thuận lợi, đến cách móc mồi sao cho phù hợp với từng loại cá thì mới câu được chúng... Hơn nữa, ngồi câu cá trong nhiều giờ nếu không đúng tư thế sẽ gây bị đau lưng, đau cơ, thậm chí lệch xương sống. Do đó, câu cá cũng là cách rèn luyện sức khỏe và dẻo dai”, anh Bình nói.
Không riêng gì anh Bình, nhiều nhóm thanh niên khác còn mang theo đồ ăn, thức uống và dựng lều câu cá cả ngày lẫn đêm bên hồ Ea Kao. Sau nhiều tháng “ăn dầm nằm dề”, mới đây anh Trương Đạt (trú tại tỉnh Đắk Lắk) đã bắt được con cá trắm đen “khủng” nặng hơn 36kg, dài khoảng 1,5m.
Anh Đạt kể, sáng 15/5, anh đến hồ câu Ea Kao câu cá như thường lệ và sử dụng ốc tươi - món ăn khoái khẩu của cá trắm đen, để làm mồi. Sau khi thả cần xuống hồ, anh vào lều ngồi quan sát thì bất ngờ phát hiện cá trắm đen có kích thước "khủng" cắn câu.
Ngay lập tức, anh nhờ những người bạn đi cùng hỗ trợ, đưa cá lên bờ. Khi con cá được đưa lên bờ, mọi người vô cùng phấn khích, đến chụp hình, thậm chí so chiều cao với con cá.
Ông Nguyễn Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Ea Kao thông tin, hồ Ea Kao có diện tích mặt nước khoảng 340ha. Nhiều năm qua, hồ Ea Kao đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm, hỗ trợ thu nhập và cải thiện cuộc sống cho hàng trăm hộ dân, đặc biệt là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Việc đánh bắt cá và hến đã mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân. “Những năm trước, người dân bắt được hơn 2 tấn hến/ngày, có người kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Thời gian khai thác hến kéo dài trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 2. Tuy nhiên, năm nay, lượng hến giảm nên người dân chỉ bắt được 5-7 tạ/ngày. Hàng ngày, còn có nhiều người dân dùng thuyền đi khai thác, đánh bắt cá tự nhiên trên hồ”, ông Độ thông tin.
Để bảo vệ nguồn thủy sản trên hồ Ea Kao, Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền và cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng kích điện để bắt cá.
Khánh Ngọc