Mỹ bất lực ngăn Iran tiếp vận cho chính quyền Syria

Mỹ bất lực ngăn Iran tiếp vận cho chính quyền Syria

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Chính phủ Obama vẫn chưa thể thuyết phục được Iraq đóng cửa không phận để cấm Iran thực hiện các chuyến bay viện trợ Syria.

Cuộc khủng hoảng tại Syria lại bước sang một ngã rẽ mới, khi Iraq thông qua quyết định cho phép Iran tái lập những chuyến bay cung cấp trang thiết bị quân sự hỗ trợ Syria đi qua không phận nước mình. Động thái này được xem là một sự chống đối sẽ gây căng thẳng cho mối quan hệ Iraq và Mỹ, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Obama từng gây áp lực buộc Iraq đóng cửa hành lang không phận mà Iran đã sử dụng từ đầu năm nay.

Thế giới - Mỹ bất lực ngăn Iran tiếp vận cho chính quyền Syria

Thủ tướng Iraq Nuri Kamal al-Maliki đã mở không phận cho Iran

Trước diễn biến mới này, Nhà trắng đã nêu lên vấn đề với Thủ tướng Iraq Nuri Kamal al-Maliki. "Đường không vận mà Iraq vừa mở ra đã làm tiêu tan nỗ lực chiếm các cửa khẩu biên giới của quân nổi dậy Syria để ngăn chặn các đường tiếp tế. Iran không gặp khó khăn gì về tiếp tế trên không và chế độ Syria vẫn kiểm soát không phận", tướng Hisham Jaber, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông (CSR) ở Beirut nhận định.

Diễn biến mới cho thấy thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ. Trong khi Chính phủ Obama do dự trước lời thỉnh cầu cung cấp vũ khí cho phiến quân Syria hay thành lập vùng cấm bay để bảo vệ dân thường, thì Iran thách thức Mỹ bằng cách cấp tập cung cấp trang thiết bị quân sự và cố vấn cho chính quyền Assad. Việc Thủ tướng Iraq Maliki cho phép Iran sử dụng không phận cũng được xem là minh chứng cho thấy khả năng chi phối của Mỹ với Iraq không lớn như người ta tưởng.

Ảnh hưởng của Mỹ rất hạn chế, ngay cả khi hai bên khẳng định đã và đang là đối tác chiến lược của nhau. Ông Maliki tìm cách duy trì quan hệ với Iran để tránh những bất ổn giáo phái trong nước, trong khi Mỹ dẫn đầu các nỗ lực quốc tế để cấm vận Chính phủ Tehran. Rõ ràng, hai bên có mục tiêu rất khác nhau. Thủ tướng Iraq xem việc chế độ Assad sụp đổ có thể dẫn đến hệ quả là sức mạnh của các đối thủ hệ phái Sunni Arab và người Kurd sẽ tăng lên trong khu vực. Trong khi đó, một số nước muốn Assad ra đi (như Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ) có mối quan hệ không suôn sẻ với ông Maliki và Chính phủ dẫn đầu bởi hệ phái Shiite đa số của ông. Iraq có thể ngăn chặn các chuyến bay tiếp tế cho Syria qua không phận mình bằng cách đòi kiểm tra hay từ chối thẳng, nhưng Iraq không làm thế. Một khó khăn nữa là Iraq không có lực lượng không quân đủ mạnh từ sau khi Mỹ rút quân vào tháng 12.2011 mang theo tất cả máy bay sử dụng tại Iraq.

"Thực tế cho thấy Iran đang can thiệp vào Syria trong nhiều lĩnh vực và Iran có vai trò lớn ở đây", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta tuyên bố. Thậm chí ngay khi Assad sụp đổ, Iran vẫn sẽ không từ bỏ quyền lợi tại Syria. Kế hoạch A của Iran là duy trì chế độ Assad. Nhưng nếu thất bại, kế hoạch B sẽ gây nội chiến tại Syria giống như Iraq và Afghanistan, tạo cơ hội thành lập một tổ chức Hezbollah thân Iran khác

Theo các quan chức Mỹ thì Iran trợ giúp cho Chính quyền Assad cả ở khâu huấn luyện và công nghệ can thiệp vào thông tin liên lạc và kiểm tra Internet. Một số thành viên Quds Force tham gia huấn luyện cho lực lượng dân quân Alawite đông đảo đang đóng góp tích cực vào việc bảo vệ chế độ Assad. Các dân quân Shiite Iraq từng nhận sự hỗ trợ của Iran trong cuộc nội chiến Iraq trước đây, nay sang Syria để giúp chế độ Assad.

Lê Tây Sơn (Theo The New York Times và The Washington Post 9.2012)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.