Mỹ tính toán gì khi đưa Thổ Nhĩ Kỳ quay lại với F-35?
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham, một trong các chính khách ủng hộ Tổng thống Donald Trump tuần trước cho biết, ông đang cố gắng đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình F-35 sau khi nước này bị đình chỉ vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Graham cũng đưa ra những lập luận phản đối việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Với việc Tổng thống Trump cho đến nay chưa đưa ra biện pháp trừng phạt nào chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, những bình luận của Thượng nghị sĩ Graham có thể là tín hiệu cho thấy Washington muốn dỡ bỏ lệnh đình chỉ đối với chương trình F-35 được áp đặt vào tháng 7 sau khi các bộ phận S-400 đầu tiên được giao cho Ankara, tờ Ahval News đưa ra nhận định.
“Chúng tôi đang cố gắng đưa họ trở lại trong chương trình F-35”, ông Graham nói sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan vào ngày 22/9.
Hôm 27/9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng xác nhận, Washington hiện đang xem xét cho phép Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chương trình.
Theo quan điểm của chuyên gia Max Hoffman từ Trung tâm hành động vì sự tiến bộ của Mỹ, Thượng nghị sĩ Graham đang thực sự tìm kiếm khả năng đưa Thổ Nhĩ Kỳ quay lại chương trình F-35 với sự chấp thuận ngầm của ông Trump.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, đội ngũ các chính khách của Nhà Trắng và hầu hết các nghị sĩ Quốc hội Mỹ vẫn thống nhất phản đối việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với F-35, trừ khi nước này từ bỏ hoàn toàn S-400.
Đây sẽ là điều cản trở mục đích của Thượng nghị sĩ Graham cũng như cơ hội vượt qua sóng gió của Ankara.
Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi chương trình F-35, nước này sẽ mất khoảng 9 tỷ USD giá trị hợp đồng ước tính, bao gồm các điều khoản chế tạo khoảng 1.000 bộ phận cho máy bay, từ màn hình trên buồng lái cho đến các bộ phận hạ cánh và thân máy bay.
Nicholas Danforth, nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Marshall của Đức, lại chỉ ra sự rạch ròi giữa viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với lệnh trừng phạt CAATSA và việc nước này bị đình chỉ khỏi chương trình F-35.
“Trong khi CAATSA là một vấn đề chính trị, quyết định loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 lại đến từ những lo ngại về việc rò rỉ bí mật an ninh liên quan đến máy bay”, Danforth nêu quan điểm.
Điều này có nghĩa là trừ trường hợp Tổng thống Erdogan chuyển lại S-400 về Nga ngay trong ngày mai, bằng không, rất khó cho Thổ Nhĩ Kỳ được trở về với chương trình F-35 trong tương lai gần.
Trong khi đó, chuyên gia Aaron Stein tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ), nói rằng tranh cãi về chương trình F-35 đang trở thành một vấn đề “mệt mỏi”
“Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình. Thượng nghị sĩ Graham cố gắng đưa họ trở lại nhưng rồi lại vấp phải sự phản đối. Ông ấy không phải là người đầu tiên nỗ lực làm điều đó. Mọi chuyện cứ lặp lại như vậy chỉ khiến hai bên thêm mệt mỏi”, Stein nhận định.
Kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria
Về phần mình, Giáo sư Ali Demirdas từ National Interest tin rằng, Quốc hội Mỹ muốn thực thi lệnh trừng phạt CAATSA đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi S-400 được giao hàng, tuy nhiên điều này đã phải trì hoãn do Ankara đe dọa tiến hành hoạt động quân sự chống lại lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria.
“Mỹ đã và đang cung cấp tất cả các ưu đãi cho Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn cuộc tấn công ở Syria, chẳng hạn như tăng giá trị thương mại hai nước lên 100 tỷ USD và giảm thuế đối với thép, nhôm”, Nott Demirdas nói.
“Nỗ lực của Graham nhằm đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình F-35 là một phần trong mục đích trì hoãn hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Theo Giáo sư Demirdas, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết mua 100 chiếc F-35, sẽ rất dại dột nếu Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình. Ông cũng đưa ra dự báo ảm đạm về tương lai của chương trình phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm.
“Với những lý do trên, Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nào đó sẽ được ở lại với chương trình và sẽ nhận được F-35 trong trường hợp ông Trump được bầu lại vào nhiệm kỳ tới, bất kể tranh cãi S-400 có như thế nào”, ông nêu quan điểm.
Demirdas cho biết, mặc dù Nga đang bật đèn xanh cho các cuộc tấn công của quân Chính phủ nhằm vào phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở tỉnh Idlib của Syria, Moscow vẫn khéo léo xoa dịu mối lo ngại an ninh về người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria nhiều hơn khi so với Mỹ.
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm tổn thương mối quan hệ với Nga”, ông nói. “Mỹ nên làm nhiều hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ - hơn những gì Nga đang làm - để kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi quỹ đạo mạnh mẽ của Moscow”.
Điều đó đòi hỏi phải có sự nhượng bộ lớn của Mỹ đối với vấn đề người Kurd ở Syria và tranh cãi xoay quanh việc dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gern – nhân vật bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau nỗ lực đảo chính năm 2016.
“Hiện tại có vẻ như Mỹ cần Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là Thổ Nhĩ Kỳ cần Mỹ”, ông nói. “Vì vậy, rất khó có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hủy kích hoạt các hệ thống S-400”.
Về phần mình, chuyên gia Hoffman cũng hoài nghi về khả năng Tổng thống Erdogan sẽ từ bỏ thỏa thuận S-400 ở giai đoạn cuối này, khi đất nước ông đã phải chịu một cái giá quá lớn về cả vật chất và chính trị.