Pháp tiến thoái lưỡng nan?
Vào ngày 2/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại đầu tiên trong năm 2019. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề kế hoạch rút quân khỏi Syria của Mỹ và Tổng thống Pháp nhấn mạnh ba điểm.
Đầu tiên, ông nói rằng cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phải được tiến hành để tránh bất kỳ sự hồi sinh trở lại nào của chủ nghĩa khủng bố. Thứ hai, ông nhấn mạnh người Kurd, lực lượng mũi nhọn trong cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố trên mặt đất ở Syria, phải được bảo vệ và quyền của họ được công nhận. Cuối cùng, ông đề cập đến sự cần thiết phải thực thi nghiêm túc thỏa thuận Istanbul ngày 27/10 để đảm bảo chấm dứt chiến sự lâu dài ở tỉnh Idlib.
Mặc dù Tổng thống Nga đã đồng ý với hai điểm đầu tiên, nhưng điểm thứ ba vẫn là điểm xích mích giữa Paris và Moscow, đặc biệt là khi nhóm cực đoan Hayat Tahrir al-Sham hiện đã chiếm gần như toàn bộ khu vực Idlib.
Những ưu tiên được phác thảo này phản ánh một hành động cân bằng của Pháp ở Syria trong bối cảnh Mỹ rút quân trong thời gian tới.
Mất chiếc ô bảo hộ của Mỹ, người Kurd cảm thấy bị bỏ rơi. Pháp cũng bị mắc kẹt trong việc hợp tác quân sự với Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) trong khi không muốn kích động Thổ Nhĩ Kỳ bằng việc mở rộng hợp tác với lực lượng này.
Đây cũng là cách tiếp cận của Pháp với Syria kể từ khi Paris bắt đầu tham gia các hoạt động quân sự hạn chế vào nước cộng hòa Ả Rập.
Việc thông cảm với người Kurd đã dẫn đến một số mâu thuẫn giữa người Pháp và người Thổ Nhĩ Kỳ. Vào tháng 4, sau khi ông Macron đón tiếp một phái đoàn của Liên minh Đảng Dân chủ Người Kurd (PYD) tại Paris, Ankara đã làm lộ vị trí của lực lượng đặc biệt Pháp tại Syria.
Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mời ông Macron, cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Putin, tới Istanbul vào cuối tháng 10 để giải quyết các vấn đề về Idlib và số phận của những người tị nạn.
Istanbul là lần đầu tiên Pháp ngồi vào bàn thảo luận về Syria trên vị thế ngang hàng với Nga, cũng như với Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Paris ủng hộ lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Idlib - tức là không có hoạt động quân sự của chính quyền Assad tại đây.
Tuy nhiên, Paris đang thấy mình ở một vị trí khó khăn ở thời điểm hiện tại, khi vùng đệm của Mỹ đặt ra giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd chuẩn bị biến mất.
Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hồi tháng 12 về việc quân đội Mỹ sẽ sớm rời khỏi Syria, một nguồn tin quân sự của Pháp nói với Al-Monitor rằng tình huống này sẽ tạo ra một vấn đề nghiêm trọng cho lực lượng đặc biệt của Pháp ở Syria.
“Đây không chỉ là vấn đề về mặt hậu cần. Nếu họ rời đi, chúng ta sẽ phải lên kế hoạch những việc cần làm trong một khoảng thời gian tương đối ngắn”, nguồn tin giấu tên cho biết.
Theo các nhà phân tích, quyết định của Mỹ đang là một động thái tác động đến Pháp, nước phải điều chỉnh lại khuôn khổ của sự hiện diện quân sự ở Syria. Tình huống đang trở nên khó khăn cho Paris.
Một mặt, Paris quan niệm người Kurd không thể bị bỏ rơi; mặt khác, Pháp không muốn thực hiện bất kỳ động thái nào sau đó có thể được hiểu là một món quà dành cho chính quyền Damascus. Một sự bình thường hóa quan hệ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn được coi là chủ đề không được bàn đến ở Paris.
Mặc dù Pháp đã từ bỏ ý tưởng ông Assad phải rời bỏ quyền lực, tuy nhiên họ vẫn tìm kiếm sự tiến bộ về các mục tiêu quan trọng khác liên quan đến tiến trình chính trị của cuộc xung đột.
Thách thức và triển vọng
Một số quan điểm ở Paris có thể muốn đặt cược rằng một cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc Syria có khả năng sẽ cải tổ lại bản đồ và chấm dứt khuôn khổ Astana bằng cách gây ra căng thẳng giữa một bên là Ankara-Moscow và một bên là Moscow và Tehran. Tuy nhiên, lý thuyết về cuộc đụng độ như vậy đã được bàn đến kể từ khi tiến trình Astana ra đời và nó khó xảy ra.
Nếu một thỏa thuận xảy ra giữa Damascus và PYD - những người đã nghiêm túc nối lại các cuộc đàm phán của họ trong những tuần qua - dự kiến Pháp sẽ vẫn tán thành lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib và về vấn đề người tị nạn Syria trong khi chấp nhận một phần nào đó chủ nghĩa bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Tuy nhiên, trong bối cảnh một số quốc gia hợp tác vùng Vịnh - cụ thể là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain - cùng với Ai Cập đang mở lại các đại sứ quán của họ ở Damascus nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp có nguy cơ tìm thấy sự bất hòa với các đối tác ở vùng Vịnh.
Trong khi đó, chỉ có một mức độ hợp tác hạn chế giữa Nga và Pháp ở Syria trong lĩnh vực nhân đạo, được thể hiện qua sự hỗ trợ của Paris và Moscow vào mùa hè năm ngoái. Giới quan sát cho rằng, tất cả cũng sẽ dừng lại ở đó, và sẽ rất ít có hy vọng sự hợp tác giữa Pháp và Nga ở Syria sẽ có thêm những động lực mới để phù hợp với các mục tiêu của Paris.
Những trở ngại này có liên quan nhiều hơn đến nhận thức lẫn nhau: Paris cho rằng Moscow có trọng lượng hơn mình ở Syria trong khi Nga chỉ coi Pháp là đối tác hạng hai và có giá trị trong từng bối cảnh.