Zing.vn đưa tin theo AP, các lệnh trừng phạt được áp đặt lên lĩnh vực vận tải biển, tài chính và năng lượng. Đây là gói thứ 2 trong số các biện pháp trừng phạt được áp dụng kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5.
Các biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ hai tới (5/11), trong đó xử phạt những quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran và các công ty nước ngoài làm ăn với các thực thể Iran bị liệt vào danh sách đen, trong đó có ngân hàng trung ương nước này, một số công ty tài chính tư nhân và các công ty tàu biển nhà nước.
VTC News đưa tin, Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin đe dọa các lệnh trừng phạt còn có thể chống lại dịch vụ giao dịch quốc tế của SWIFT (hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế). “SWIFT cũng không khác gì những đơn vị khác. Chúng tôi đã khuyến cáo SWIFT nên ngừng kết nối với bất cứ tổ chức tài chính Iran nào ngay khi họ có khả năng công nghệ để tránh bị xử phạt.” – ông Mnuchin trả lời phóng viên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận các thông tin trước đó về 8 quốc gia sẽ được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt tái áp đặt, nhưng ông từ chối cung cấp tên cụ thể và nói tổ chức EU không nằm trong số này. Nhiều dự đoán cho rằng các nước được miễn trừ có thể bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, ông Pompeo cũng tiết lộ danh sách 12 yêu cầu của Mỹ mà Iran cần hoàn thành nếu muốn các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ. Những yêu cầu này bao gồm dừng phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo, kết thúc “hỗ trợ cho khủng bố” từ Tehran và rút khỏi xung đột ở Syria.
Trong bài phát biểu tại Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 73 vào cuối tháng 9, ông Trump đã kêu gọi các quốc gia khác cô lập Iran. Tuy nhiên điều này có vẻ không mang lại hiệu quả, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua dầu từ Iran trong khi Anh, Pháp và Đức đã hứa sẽ tiếp tục các hoạt động kinh doanh với quốc gia hồi giáo này.
Phong Linh (tổng hợp)