Theo CNN, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đưa Viện Công nghệ Điện toán Vô Tích Giang Nam, Sugon cùng ba thực thể gắn liền với Sugon vào danh sách các doanh nghiệp bị cấm mua công nghệ, linh kiện Mỹ. Hạn chế với năm cái tên này sẽ có hiệu lực từ đầu tuần sau.
Bộ Thương mại Mỹ cho hay các công ty thường sử dụng siêu máy tính và linh kiện siêu máy tính cho mục đích quân sự, hạt nhân. Giới doanh nghiệp Mỹ sẽ không thể xuất khẩu linh kiện cho các hãng này mà không có giấy phép. Hạn chế tương tự trước đó được áp đặt lên Huawei Technologies.
Sugon là nhà cung ứng trung tâm dữ liệu và siêu máy tính chính ở Trung Quốc. Đây cũng là một trong các nhà sản xuất hệ thống máy tính hàng đầu thế giới. Trên trang web, Sugon cho biết hãng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho “sự tiến bộ của Trung Quốc trong mảng nghiên cứu khoa học cơ bản, thiết bị khoa học quan trọng và phát triển công nghệ”. Để làm thế, công ty mua hàng từ các hãng Mỹ như Intel, Nvidia và AMD.
AMD đặc biệt chịu thiệt trước quyết định cấm Sugon mua linh kiện Mỹ. Hồi năm 2016, AMD liên doanh với một hãng Trung Quốc có một phần sở hữu thuộc Sugon. Quan hệ hợp tác hình thành hai thực thể riêng biệt song đều có tên trong bản tóm tắt lệnh hạn chế mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ. Đó là Chengdu Haiguang Integrated Circuit và Chengdu Haiguang Microelectronics Technology.
AMD sở hữu phần lớn một trong hai công ty kể trên. Hãng Mỹ cấp phép sở hữu trí tuệ công nghệ vi mạch của mình cho các công ty Trung Quốc để họ sử dụng nó phát triển chip cho máy chủ bán ở Trung Quốc. Chip và máy chủ là một phần trong nỗ lực Made in China 2025 mà chính phủ Trung Quốc đặt ra với mục tiêu ưu tiên sản xuất hàng hóa công nghệ cao trong nước.
Năm 2018, AMD kiếm 86 triệu USD doanh thu liên quan đến việc cấp phép sở hữu trí tuệ theo thỏa thuận với giới doanh nghiệp Trung Quốc. Hiện chưa rõ hãng sẽ bị tác động lớn đến mức nào sau lệnh hạn chế từ Bộ Thương mại Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc từ lâu âm thầm chạy đua siêu máy tính. Mỹ tuyên bố rằng việc nắm giữ các siêu máy tính mạnh nhất là rất quan trọng với an ninh quốc gia. Siêu máy tính được dùng cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phương pháp điều trị y tế và dự báo thời tiết. Chúng cũng được dùng trong mô hình quân sự, hạt nhân trên toàn cầu.
Bộ Năng lượng Mỹ đang có siêu máy tính nhanh nhất thế giới tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở bang Tennessee. Máy tính này có tên Summit, có khả năng thực hiện 148 triệu tỉ phép tính mỗi giây, nhanh hơn 30.000 lần so với iPhone XS. Mỹ nắm giữ danh hiệu quốc gia có siêu máy tính nhanh nhất thế giới từ tháng 6.2018. Trung Quốc thì nắm giữ danh hiệu này từ tháng 11/2013 đến tháng 6/2018.
Trong số 500 siêu máy tính hàng đầu thế giới, Trung Quốc sở hữu 219. Mỹ thì chỉ có 116 siêu máy tính trong top 500 song dàn siêu máy tính của Mỹ lại kiểm soát 38,4% công suất siêu máy tính toàn cầu. Mỹ sở hữu hai hệ thống siêu máy tính số một thế giới và chỉ hai hệ thống này đã chiếm 15,6% tổng sức mạnh siêu máy tính toàn cầu.
Theo Thanh Niên