Edward Snowden, thủ phạm của vụ rò rỉ thông tin này đã nhận nhiều lời khen lẫn chê.
Một trong những người phẫn nộ là dân biểu Hạ viện John Boehner: “Anh ta là kẻ phản quốc. Vụ tiết lộ thông tin này gây rủi ro cho người dân Mỹ. Nó cho các đối phương của chúng ta biết năng lực của chúng ta như thế nào và là một vụ phạm luật to lớn.”
Những tiết lộ về các kỹ thuật mà NSA dùng để theo dõi các cú điện thoại và các màn lướt Internet của những người bị nghi là khủng bố cũng làm các chuyên viên an ninh như ông Steve Bucci thuộc tổ chức Heritage lo ngại: “Chúng ta bây giờ đã cho các đối thủ, các tay khủng bố biết là chúng ta đang có mặt, chúng ta đang theo dõi và dự đoán các hành động của họ. Chuyện nãy sẽ gây nguy hại cho các hoạt động chống khủng bố".
Snowden, một nhân viên hợp đồng của NSA, và Tổng thống Obama xuất hiện trên trang nhất của các báo tiếng anh và tiếng trung ở Hongkong.
Chuyên viên Bucci nói các nhóm khủng bố sẽ thay đổi cách truyền đạt thông tin sau vụ tiết lộ này. “Sẽ có nhiều người Mỹ và bạn bè phải chết bởi vì những kẻ xấu sẽ thay đổi cách hoạt động vì chúng ta không thể tiên liệu đầy đủ", ông nói.
Nhiều nhà hoạt động bênh vực quyền tự do dân sự lên tiếng ủng hộ anh Snowden, trong đó cho ông Jim Walsh, chuyên viên an ninh của trường đại học công nghệ MIT.
Nhưng nhà phân tích Bucci lo ngại trong trường hợp các chương trình theo dõi của NSA phải bị thu hẹp do chống đối của các nhóm bảo vệ quyền tự do dân sự, thì an ninh quốc gia của Hoa Kỳ sẽ bị suy yếu.
“Sự thay đổi niềm tin hoặc sự suy giảm niềm tin của dân Mỹ đối với chính quyền sẽ buộc chúng ta phải giới hạn các chương trình theo dõi. Do đó, trong lúc kẻ xấu luồn lách sâu hơn, mà chúng ta lại theo dõi ít hơn, thì chuyện xảy ra kế tiếp là chúng ta sẽ gặp thêm vài vụ khủng bố nữa.”
Các chuyên viên nói rằng phải mất nhiều tháng nữa mới đánh giá đầy đủ tác động của việc tiết lộ thông tin do Snowden gây ra.
Vũ Vũ