THX đưa tin, các nhà chức trách Mexico cho biết, Mỹ đã trục xuất hơn 2,8 triệu người di cư tại các cửa khẩu biên giới trong hơn 3 năm theo Điều khoản 42, một biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19.
Thông cáo báo chí của Bộ Nội vụ Mexico, trong số 2.825.970 người bị trục xuất, đại đa số bị trục xuất tại biên giới Mỹ-Mexico (2.710.494 người), trong đó phần lớn là công dân Mexico (1.641.746).
Phần lớn những người di cư còn lại bị trục xuất ở biên giới phía Nam đến từ các quốc gia bao gồm Guatemala, Honduras, El Salvador và Nicaragua.
Vào tháng 3/2020, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã đưa ra chính sách hạn chế nhập cư qua biên giới trên bộ với Mexico, được áp dụng để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch Covid-19, còn được gọi là Điều khoản 42. Điều khoản này cho phép lực lượng an ninh biên giới Mỹ từ chối người di cư nhập cảnh để xin tị nạn nước này vì lý do dịch bệnh.
Tuy nhiên, từ đêm 11/5, Mỹ sẽ dừng áp dụng Điều khoản 42. Việc điều khoản hết hiệu lực được dự báo sẽ dẫn tới làn sóng người di cư từ nhiều nơi tìm cách vượt biên giới Mexico sang Mỹ.
Ông Lindsey Graham, Thượng nghị sĩ bang Texas, Mỹ, nhận định: "Ngày 11/5 sẽ là một ngày ác mộng đối với người dân Mỹ, đặc biệt là người dân ở New Mexico và Texas. Trong 90 ngày tới, bạn sẽ thấy từ 900.000 đến 1,1 triệu người di cư qua biên giới".
Để đối phó tình trạng nhập cư bất hợp pháp, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai thêm 1.500 binh sĩ tới khu vực biên giới. Lực lượng này sẽ góp phần hỗ trợ Cơ quan tuần tra biên giới Mỹ trước nguy cơ khủng hoảng nhập cư.
Các trung tâm di động được chính quyền Mỹ thiết lập nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý người nhập cư. Tuy nhiên, số trung tâm này dường như là quá ít để giải quyết được lượng lớn hồ sơ vốn đã quá ùn tắc hiện nay.
Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết sẽ sớm ban hành quy định mới cho phép cơ quan chức năng nước này từ chối tị nạn đối với người nhập cư bất hợp pháp. Các biện pháp mới là một phần trong kế hoạch của chính quyền Washington nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép dự kiến tăng đột biến khi các hạn chế cuối cùng về Covid-19 tại Mỹ sắp được bãi bỏ.
Minh Hoa (t/h theo VTV, Vietnam+)