Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đang tiến hành một chiến dịch mới nhằm đối phó "hành vi phá hoại đang gia tăng" từ phía Trung Quốc.
Ngày 2/11, Hãng Reuters đưa tin, bộ Tư pháp Mỹ vừa công bố cáo trạng truy tố 2 công ty Trung Quốc và 3 cá nhân về âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ công ty bán dẫn Micron Technology của Mỹ.
Hai công ty bị Mỹ truy tố bao gồm United Microelectronics ở Đài Loan và công ty quốc doanh Fujian Jinhua Integrated Circuit của Trung Quốc.
Bản cáo trạng của Mỹ nêu rõ hai công ty trên, cùng 3 cá nhân từng làm việc cho một đơn vị của Micron Technology đã tham gia vào hoạt động đánh cắp bí mật thương mại của Micron nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu, phát triển các thiết bị lưu trữ thông tin máy tính.
Đây là vụ án thứ 4 mà bộ Tư pháp thông báo kể từ tháng 9 trong đợt truy quét các công ty Trung Quốc bị cáo buộc có hành vi phá hoại.
Trước đó, vào ngày 31/10, bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc các sĩ quan tình báo Trung Quốc có hành động thông đồng với hacker và những gián điệp trong các công ty của phương Tây để xâm nhập vào hệ thống máy tính nhằm đánh cắp thông tin về động cơ cánh quạt sử dụng trên các máy bay thương mại.
Những đối tượng là mục tiêu của vụ đánh cắp thông tin bai gồm tập đoàn chế tạo tuabin Capstone, hãng sản xuất động cơ cánh quạt Safran SA và hàng chục công ty khác.
Các máy bay do Trung Quốc chế tạo bao gồm C919 và ARJ21 đều đang sử dụng động cơ nước ngoài nhưng nước này vẫn đang cố gắng tạo ra loại động cơ nội địa đủ đáp ứng mọi yêu cầu như hàng nhập khẩu.
Vào cuối tháng 9, một người Trung Quốc đã bị bắt do cố ý tuyển mộ các kĩ sư và nhà khoa học đã và đang làm việc cho những công ty quốc phòng của Mỹ.
Đến tháng 10/2018, bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố xét xử một điệp viên của bộ An ninh quốc gia Trung Quốc vì cố đánh cắp bí mật thương mại hàng không sau khi bắt giữ và dẫn độ từ Bỉ.
Chỉ trong một vài tháng qua, Mỹ đã liên tiếp có những hành động nhằm ngăn chặn và xét xử các trường hợp đánh cắp thông tin được cho là do Trung Quốc đứng sau.
Các vụ việc này nằm trong danh sách nhiều công ty Trung Quốc bị Tổng thống Donald Trump cho rằng đã gian lận về sở hữu trí tuệ.
Phó giám đốc FBI David Bowdich cho biết gần như mọi nhân sự trong 56 cơ quan trực thuộc đều tham gia điều tra hành vi phá hoại kinh tế, mọi đầu mối đều dẫn đến Trung Quốc.
Bộ Trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions lên tiếng thông cáo hành vi phá hoại của phía Trung Quốc đã "tăng nhanh chóng" và chính phủ đang tiến hành một chiến dịch mới nhằm đối phó.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cảnh cáo điều này phải được dừng lại.
Minh Anh (tổng hợp)