Với việc chính quyền của Tổng thống Bashar Assad và các đồng minh Nga, Iran đang đứng trước ngưỡng cửa chiến thắng trong cuộc nội chiến Syria, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với thực tế thua cuộc và mất đi tiếng nói ở Trung Đông.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng Mỹ hầu như không có lựa chọn nào cho riêng mình để đảo ngược tình thế, bởi chính sách của Washington đã sa lầy nhiều năm qua ở Syria và để cho Moscow giành được hầu hết các lợi thế chiến lược.
Các nghị sĩ có ảnh hưởng ở Washington và các đối tác phương Tây trong những ngày gần đây đã đề nghị Nhà Trắng can thiệp trực tiếp vào Syria và ngăn chặn những gì mà họ gọi là nguy cơ thảm họa nhân đạo ở Idlib, cùng với đó là cứu vãn phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn.
Trong vài tuần trở lại đây, lực lượng Damascus, với sự hỗ trợ quan trọng từ Nga và Iran, đang chuẩn bị cho cuộc tấn công quy mô lớn nhằm mục tiêu Idlib, thành trì nổi loạn cuối cùng ở Syria.
Giới phân tích nhận định một chiến thắng ở Idlib là sự đảm bảo cho Tổng thống Assad giành thắng lợi tương tự đối với toàn bộ cuộc xung đột nổ ra từ năm 2011.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ - như Đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - đã đe dọa đưa ra các cuộc tấn công trả đũa nếu chính quyền Assad một lần nữa sử dụng vũ khí hóa học đối với dân thường – một cáo buộc cho đến nay vẫn bị phía Nga bác bỏ và chỉ đích danh phương Tây dựng chuyện.
Bà Haley cũng cho biết sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” đối với Nga và Iran nếu họ tiếp tục chiến dịch không kích chống lại quân nổi dậy ở Idlib.
Nhưng các nhà phân tích khu vực nói rằng có rất ít lựa chọn cho Mỹ ở thời điểm này ngoài việc đưa ra những tuyên bố hăm dọa sắt đá và có lẽ là một cuộc tấn công mang tính chất trả đũa nhưng không mang lại nhiều ý nghĩa giống như tháng 4 vừa qua.
Theo Washington Times, cả chính quyền Obama và Trump đều tự dồn mình vào chính sách chỉ tập trung đánh bại IS ở Syria và chưa bao giờ quyết tâm cho mục tiêu hỗ trợ phiến quân lật đổ chính quyền Assad.
Trong khi đó, vai trò của Nga trong cuộc xung đột ngày càng phức tạp hơn và nhiều ảnh hưởng hơn. Còn Mỹ chỉ đơn giản là không sẵn sàng để đấu với Moscow ở Syria .
“Luôn có những mục tiêu trùng lặp hoặc không có định hướng. Chưa bao giờ có một chiến lược rõ ràng. Không giống như người Nga, như chúng ta đã biết, họ luôn có một chiến lược rõ ràng: bảo vệ chính quyền Assad. Và họ đã thực hiện điều đó bằng sức mạnh quân sự của mình”, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông Michael Sharnoff từ trường An ninh Quốc gia Daniel Morgan cho biết.
"Chúng tôi chưa rõ chính xác điều mà mình muốn", ông Sharnoff nói. “Chúng tôi liên tục xóa bỏ hoặc thay đổi lập trường của mình. Và cho đến cuối cùng, khi bạn nhìn vào bức tranh địa chính trị rộng lớn, ảnh hưởng của Nga vẫn còn ở đó và sẽ tiếp tục duy trì ở Syria. Có vẻ như Damascus sẽ giành lại Idlib và chiếm ưu thế. Người Mỹ sẽ có rất ít giải pháp để thay đổi điều đó”.
Với cuộc tấn công tiềm năng nhằm vào Idlib, một số thành viên có ảnh hưởng trong Quốc hội Mỹ nỗ lực kêu gọi chính quyền Trump suy nghĩ lại chiến lược của mình tại Syria trước khi quá muộn.
Cuối tuần trước, thành viên đảng Cộng hòa Adam Kinzinger đã lên tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ đối với Syria. Ông nói rằng "giờ là thời điểm để hành động" hoặc chấp nhận thực tế rằng hàng chục ngàn người sẽ thiệt mạng ở Idlib và ảnh hưởng của Nga đối với khu vực sẽ tăng lên đáng kể.
Ông Trump đã ra lệnh cho các cuộc không kích chống lại lực lượng của chính quyền Assad vào tháng 4 trong một động thái mà nước này giải thích rằng để trả đũa việc sử dụng vũ khí hóa học.
Phía Nga đã lên án hành động này đồng thời chỉ ra phương Tây và các nhóm liên quan đã cố tình dàn dựng lên sự việc để lấy cớ không kích Syria.
Trước những lời kêu gọi về việc cần dừng lại cuộc tấn công của Nga vào thành trì Idlib, nhóm ngoại giao Syria mới của Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy các nỗ lực hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.
Jim Jeffrey, đặc phái viên mới của Ngoại trưởng Mike Pompeo về vấn đề Syria và đặc phái viên Syria Joel Rayburn đã có cuộc gặp với đặc phái viên Liên Hợp Quốc ở Syria Staffan de Mistura cùng với đại diện các quốc gia đồng minh nói chung phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đồng minh Nga, Iran.
Bình luận về động thái này, Sam Heller, nhà phân tích về Syria tại International Crisis Group cho biết, thông điệp chính từ đội ngũ ngoại giao Syria mới của Trump dường như là: Mỹ sẽ không từ bỏ Syria ít nhất là trong tương lai gần.
Tuy nhiên, điều mà chính quyền của Trump quan tâm về Syria liên quan đến Iran, chứ không phải là những điều khác, nhà phân tích này nêu quan điểm.
“Vấn đề chính là chấm dứt sự hiện diện của lực lượng Iran”, Heller nói. "Đó là một nhu cầu mà họ có chung với Israel”.