Cuộc thử nghiệm hạt nhân hôm 9/9 của Triều Tiên với quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã là lời nhắc nhở đến Mỹ và đồng minh cần phải có những nỗ lực và giải pháp thực tế hơn nếu như không muốn tình hình sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát.
Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh phải là bên có trách nhiệm hơn trong việc gây sức ép lên Triều Tiên trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Washinton hiểu rằng, để giải quyết triệt để và nhanh chóng vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, họ cần có thảo luận và hợp tác mật thiết với Trung Quốc - quốc gia gần gũi nhất với Bình Nhưỡng trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, theo hai chuyên gia Christine Hong và Paul Liem từ Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu (Global Research), việc chính quyền Obama phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc kiềm chế Triều Tiên lại mâu thuẫn với nỗ lực của chính họ trong việc kìm hãm tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đang muốn lan rộng ra khắp châu Á.
Trên thực tế Mỹ cần Trung Quốc hợp tác giải quyết vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, nhưng lại bị coi là "kẻ ngáng đường" trong chiến lược bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong động thái mới nhất, Seoul và Washington đã phê chuẩn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD với mục đích ứng phó trước mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên động thái này đã vấp phải sự phản đối từ các nhà lãnh đạo Bắc Kinh.
Không đơn giản là sự lo ngại về nguy cơ mất một đồng minh chủ lực sát biên giới của mình, điều khiến Trung Quốc đứng ngồi không yên là bởi các hệ thống tên lửa của Mỹ không chỉ có mục đích chống Triều Tiên, mà có thể tạo áp lực lên các bước tiến quân sự của chính Trung Quốc trong tương lai.
Bắc Kinh hiểu rằng động thái của Mỹ-Hàn là kế hoạch kìm hãm cả hai quốc gia. Nó giống như một lời dọa dẫm từ Washington rằng: nếu họ không thể "đá quả bóng trách nhiệm Triều Tiên" sang cho Trung Quốc - hệ thống tên lửa THAAD sẽ là giải pháp bắt buộc phải triển khai để chủ động bảo vệ đồng minh Hàn Quốc; thêm vào đó nó sẽ cùng hợp lực với hệ thống THAAD ở căn cứ quân sự đảo Guam hướng tới việc phong tỏa Bắc Kinh.
Tuy nhiên, đáp trả lại những lời phàn nàn về "vai trò" và "trách nhiệm" của mình trong việc cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc hạn chế chính sách theo đuổi hạt nhân của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố kêu gọi chính Mỹ mới là nước cần xem xét lại chính sách ngoại giao của mình.
"Nguyên nhân và mấu chốt gây ra vấn đề hạt nhân Triều Tiên liên quan đến Mỹ nhiều hơn là Trung Quốc. Cốt lõi của vấn đề là sự xung đột giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ. Bởi vậy họ cần tìm kiếm một giải pháp hiệu quả và tự gánh vác trách nhiệm", tuyên bố hôm 12/9 cho biết.
Tờ Thời báo Hoàn cầu còn lập luận thêm: "Nếu không có mối đe dọa quân sự liều lĩnh từ Hàn Quốc và Mỹ, hay sự can thiệp của Washington tại nơi đây trong quá khứ, Bình Nhưỡng có thể đã không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân như bây giờ".
Sự so kè nói trên đã khiến giới quan sát nhận xét rằng, cho đến thời điểm hiện tại, quan hệ Mỹ-Trung về giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ vẫn trong trạng thái bế tắc khi không bên nào chịu nhượng bộ bên nào.
Mỹ sẽ chuyển hướng từ Bắc Kinh sang Bình Nhưỡng?
Ở bán đảo Triều Tiên - nơi tiềm tàng cho một cuộc chiến hạt nhân lớn hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, chính quyền của ông Obama vẫn còn cơ hội để dập tắt cơn ác mộng này. Thế nhưng nó sẽ đòi hỏi người Mỹ phải chịu nhân nhượng.
Cụ thể, Washington sẽ phải loại bỏ điều khoản trong đó yêu cầu Bình Nhưỡng phải là bên phi hạt nhân hóa trước khi cả hai đi đến đàm phán song phương.
Chuyên gia Christine Hong cho rằng yêu cầu cứng nhắc này cần phải được tạm hoãn lại. Thay vào đó, các bên nên tìm kiếm một nền tảng chung đề ngồi lại với nhau trước khi bàn luận đến các vấn đề sâu xa hơn.
Hơn nữa Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ "vấn đề sống còn của mình" trước nếu như Mỹ không cho họ một lời hứa đảm bảo. Washington cũng cần phải hiểu rằng họ không phải bên nắm đằng chuôi.
Có một điểm đặc biệt đáng lưu ý đó là: dường như không có quốc gia nào - bao gồm cả Nhật Bản - có nỗi sợ hãi về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc hơn chính Triều Tiên.
Người ta vẫn nhìn thấy hình ảnh Trung Quốc như một đồng minh thân cận luôn ủng hộ Bình Nhưỡng trong bất kỳ tình huống nào. Nhưng sự thật có phải như vậy?
Học giả Robert Carlin từ đại học Stanford đã chỉ ra rằng Triều Tiên hoàn toàn không thích Bắc Kinh tự thay mặt mình phát ngôn và quyết định mọi thứ.
Hồi năm 1996, Bình Nhưỡng đã từng phản đối tuyên bố chung trong trong một cuộc đàm phán bốn bên có sự tham gia của Trung Quốc vì cáo buộc nước này "đã đi ngược lại với mục tiêu chính sách của Bình Nhưỡng".
Cựu phóng viên CNN Mike Chinoy, cũng đồng tình khi cho biết, "Triều Tiên không bằng lòng với việc Trung Quốc tự động nhảy vào và chỉ dẫn cho họ biết họ cần phải làm gì. Và thực tế là Trung Quốc đã không thể làm được điều đó".
Điều này có thể khiến Mỹ yên lòng một điều rằng họ vẫn có thể giải quyết vấn đề của riêng mình ở châu Á mà không cần phải chịu sự phụ thuộc của Bắc Kinh.
Do vậy, giới phân tích nhận định, hướng đi của Washington hiện tại không phải là "vuốt ve" Trung Quốc chỉ vì mục tiêu giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Mà ngược lại Mỹ cần xem xét một cách nghiêm túc trong việc thiết lập một liên minh Bình Nhưỡng-Washington; đưa mối quan hệ này trở nên gần gũi hết mức có thể.
Nếu thành công, nó có thể bảo toàn tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương; tạo nền tảng đối đầu - giảm trừ sự bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển khu vực; dừng lại việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD (điều tạo nên bất đồng Trung-Hàn); và hơn hết tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên - một giải pháp gần như toàn diện để hóa giải mọi xung đột tại Đông Bắc Á giữa Mỹ-Hàn-Triều Tiên-Trung Quốc.
Điều này hoàn toàn khả thi bởi trước đó chính Bình Nhưỡng từng thể hiện mình là một quốc gia cầu thị khi nói rằng họ sẽ dừng lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân nếu như Mỹ chấm dứt các cuộc tập trận chung hàng năm với Hàn Quốc. Nhưng đáng tiếc rằng Washington đã không chịu đưa ra bất cứ sự nhân nhượng nào. Và các động thái triển khai hạt nhân của Triều Tiên vẫn tiếp tục tiếp diễn như một kịch bản.
Học giả Paul Liem cho rằng Tổng thống Obama nên ưu tiên cho bất kỳ cơ hội nào có thể đạt được mục tiêu dừng lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao - bao gồm việc từ bỏ một số lợi ích để thiết lập quan hệ với Bình Nhưỡng.
Điều này sẽ là con đường ngắn nhất chấm dứt mối bất đồng hai miền Triều Tiên và kiến tạo một nền hòa bình lâu dài cho Hàn Quốc mà không còn gây thêm bất kỳ mâu thuẫn nào cho khu vực.
Đồng thời Washington cũng sẽ tạo tiếng vang lớn khi góp phần trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên quy mô toàn cầu. Hơn nữa một sự chuyển hướng chính sách của Mỹ trong một cam kết đồng thuận với Triều Tiên, sẽ là thành tựu lớn nhất của quốc gia này ở khu vực Đông Bắc Á trong suốt 15 năm qua.
Quốc Vinh