Tuyên bố gây tranh cãi
Giới chính trị Mỹ đang tranh luận về quyết định rút quân đội khỏi miền Bắc Syria của Tổng thống Donald Trump, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu với người Kurd – một đồng minh quan trọng của Washington.
Các nghị sĩ Mỹ đã ngay lập tức đã lên án việc rút quân, bất chấp việc ông Trump đã tự tin cho rằng quyết định này là chiến lược tuyệt vời như thế nào. Trong khi đó, một loạt các bài viết phân tích đều cho rằng đây là một bước đi sẽ giúp Nga thế chỗ Mỹ, trở thành thế lực thống trị Trung Đông.
Tuy nhiên, theo National Interest, dường như chính quyền Trump không bao giờ có ý định rời khỏi Syria hoàn toàn. Thay vào đó, chính sách của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục với mục tiêu chống Nga, chống Iran với việc tận dụng nguồn lực của người Kurd.
Ngay cả sau khi ông Trump tuyên bố quân đội Mỹ đã rời khỏi khu vực, khoảng một nghìn lính Mỹ vẫn được giữ lại cùng với lực lượng người Kurd, tiếp tục giữ chiến tuyến chống lại Nga cho đến nào có quyết định rời bỏ thực sự.
Và quân đồn trú của Mỹ tại al-Tanf ở Syria, sẽ không dừng nhiệm vụ chống lại Iran trong thời gian tới.
Sau chưa đầy một tuần chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo tuyên bố sẽ thỏa thuận với Nga và nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad để hợp tác chống lại cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng một cuộc điện thoại bị rò rỉ với tướng Mazloum Abdi cho thấy Mỹ đang làm việc để ngăn chặn thỏa thuận này.
“Các ngài không bảo vệ chúng tôi và cũng không để ai khác làm điều đó”, chỉ huy cấp cao người Kurd phàn nàn với Phó Đặc phái viên Mỹ William Roebuck. “Các ngài có thể ngừng ném bom vào chúng tôi ngay lúc này hoặc đứng sang một bên để chúng tôi có thể để người Nga bước vào”.
Nhà ngoại giao SDF Bassam Ishak đã xác nhận tính xác thực của cuộc hội thoại nói trên với National Interest, trong khi một nhân vật khác tuyên bố rằng không ai ngăn cản SDF tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Điều đó cho thấy rằng, bất chấp việc đã tuyên bố rút quân, Mỹ vẫn không muốn để Nga bước vào đóng vai trò trọng tài, cũng như chiếm lấy sự ủng hộ từ người Kurd.
Căn cứ al-Tanf
Trong khi Mỹ tuyên bố đang rời khỏi vùng đông bắc Syria, thì thực tế nước này lại tăng gấp đôi sự hiện diện xuống phía đông nam.
Trong một tuyên bố ngày 14/10, Nhà Trắng cho biết, “một dấu chân nhỏ của lực lượng Mỹ sẽ vẫn ở căn cứ al-Tanf, miền Nam Syria để tiếp tục tiêu diệt tàn dư của khủng bố IS”.
“Việc sử dụng al-Tanf cho mục đích chống IS thực sự đã chuyển sang mục đích chống Iran trong một thời gian dài kể từ năm 2016 và đặc biệt được thúc đẩy nhanh trong những tháng đầu Tổng thống Trump lên nắm quyền”, chuyên gia Nicholas Heras từ Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho biết.
Kể từ thời điểm đó, al-Tanf không còn phục vụ mục đích chống IS lần nào nữa.
Bởi vì cơ sở này đã chính thức ra khỏi danh sách các căn cứ chính thức của Mỹ, rất khó để biết chính xác nó đang tiêu tốn bao nhiêu ngân sách.
Nhưng ít nhất đã có một khoản chi phí nào đó từ con số 1,045 tỷ USD hàng năm của “Quỹ đào tạo và trang bị chống IS” được giải ngân cho các lực lượng phiến quân Syria được đào tạo tại al-Tanf để chiến đấu với Iran, Nga và chính quyền Assad.
“al-Tanf giống như lá bùa đối với những người trong chính quyền Trump muốn sử dụng Syria làm căn cứ hiệu quả để chống lại Iran”, chuyên gia Heras nêu quan điểm. “Có rất ít lợi ích cho Mỹ khi hiện diện tại al-Tanf, ngoại trừ việc nó cho phép nước này giám sát cái gọi là tuyến đường ảnh hưởng của Iran”.
Như cựu quan chức bộ Ngoại giao Mỹ Wael Alzayat từng phát biểu tại một sự kiện của Tổ chức Di sản Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/10, Chính phủ Iran và Lực lượng Quds có một giấc mơ kết nối Iran với Lebanon thông qua lãnh thổ Syria.
Vào tháng 6/2016, quân đội Mỹ đã trực tiếp ra đòn với Nga ở al-Tanf, khi đuổi theo các máy bay chiến đấu Nga ném bom phiến quân được Mỹ hậu thuẫn bên ngoài căn cứ.
Và vào tháng 5/2017, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã ném bom lực lượng Syria, Iran, Nga khi đến gần al-Tanf.
“Có vẻ như các quan chức Mỹ đang coi al-Tanf như một sự hiện diện nhẹ nhàng, chi phí thấp ở Syria, bất chấp quan điểm rút quân của ông Trump”, chuyên gia Heras kết luận.