Theo Sputnik, đã không có bằng chứng nào được trình bày trong buổi điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 5/1 về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử thời gian qua. Tuy nhiên các cuộc tranh luận giữa các nghị sĩ vẫn quy trách nhiệm cuối cùng cho điện Kremlin.
Buổi điều trần trước đó được dự đoán sẽ nêu ra những cơ sở quan trọng nhằm chứng minh cho tuyên bố của tình báo Mỹ về cái gọi là "sự can thiệp của Nga". Trong khi tờ Sputnik của Nga mô tả trong 2 giờ đồng hồ phiên họp diễn ra đều là những tuyên bố "vô căn cứ, cường điệu và kêu gọi gây hấn đối với Nga".
Điều trần trước ủy ban lần này là Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Michael Rogers.
"Nước Mỹ có lẽ chưa từng gặp phải một cuộc tấn công trực tiếp nhằm can thiệp vào quá trình bầu cử như vậy", ông Clapper nói trong phiên điều trần, mặc dù ông từ chối cung cấp bằng chứng cho lời tuyên bố của mình.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain cũng sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ trong phiên điều trần, trong đó nói rằng các cáo buộc hack của Nga là "một cuộc tấn công chưa từng có vào nền dân chủ của chúng tôi".
Khi một phóng viên của hãng thông tấn Sputnik (Nga) hỏi sau buổi điều trần về những chi tiết đáng lưu ý trong báo cáo thường niên của an ninh Mỹ, bao gồm việc phát hiện rằng 43% của các địa chỉ IP do "tin tặc Nga" thực tế đều sử dụng các sever chuyển tiếp thông qua trình duyệt Tor, ông McCain cho biết ông "không muốn nói gì về điều này".
Trước đó bản báo cáo Grizzly Steppe được phía an ninh Mỹ công bố cho thấy có 876 địa chỉ IP đã được sử dụng để xâm nhập vào máy chủ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và các tài khoản email của John Podesta.
Tuy nhiên có tới 367 địa chỉ là sử dụng trình duyệt Tor ẩn danh, theo phân tích của chuyên gia Micah Lee thuộc tờ Intercept.
Tor không phải là công cụ quá xa lạ với đa số các chuyên gia công nghệ thông tin và người dùng phổ thông, khi nó cho phép người dùng lướt web ẩn danh bằng cách chuyển các địa chỉ IP thông qua 7.000 máy chủ, hoặc các máy chủ chuyển tiếp được lựa chọn IP ngẫu nhiên.
Không chỉ để che giấu lịch sử hay thói quen duyệt web nhằm bảo mật ở một số cơ quan chính phủ, bằng cách chuyển đổi IP thông qua các máy chủ toàn cầu, vị trí của người dùng khi sử dụng Tor trở nên gần như không thể theo dõi.
Điều này có nghĩa là bất cứ ai sử dụng trình duyệt Tor, cho dù ở Ireland, Nigeria, Alaska, hoặc một ngôi nhà nào đó ở ngay chính tại nước Mỹ cũng đều có thể gán địa chỉ IP dưới danh xưng tin tặc của Nga.
Phân tích của Lee tiết lộ rằng địa chỉ IP 93.115.95.202 được liệt kê trong báo cáo Grizzly Steppe cũng được cô tìm thấy trong web logs (bản ghi web) của mình.
"Nếu tôi tìm thấy địa chỉ IP này trong bản ghi của tôi, vậy chẳng lẽ tôi cũng là một mục tiêu mà Nga đang tấn công", Lee nói trong báo cáo.
Dự án Tor được tài trợ một phần bởi Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ trong giai đoạn từ giữa 2013-2016, điều này được ghi rõ trong danh sách các nhà tài trợ của Tor.
Với tính năng ẩn danh của mình Tor được xem là công cụ "thúc đẩy nền dân chủ cho những người dân sống dưới chế độ độc tài", bên cạnh việc cải thiện quan hệ ngoại giao.
Trang chủ dự án Tor cũng cho biết, Hải quân Mỹ đang sử dụng Tor để thu thập thông tin tình báo nguồn mở ở Trung Đông.
Một ví dụ về tính hữu dụng của Tor được chứng minh bởi các cơ quan pháp luật của Mỹ, trong đó các cơ quan này "sử dụng Tor để ghé thăm một số trang web mà không để lại địa chỉ IP của chính phủ".
Ngược lại với những tuyên bố gây sức ép lên Nga, thành viên đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Ted Cruz bác bỏ những tuyên bố về sự can thiệp của Moscow khi nói với các phóng viên rằng Đảng Dân chủ đang cố gắng xóa bỏ tính hợp pháp của kết quả bầu cử bằng cách đổ lỗi sự thua cuộc cho Nga.
Ông tuyên bố rằng không có bằng chứng cho thấy sự can thiệp của Nga đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Mặc dù nhấn mạnh việc không tin Nga ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, ông Cruz vẫn khẳng định rằng cần phải có một nỗ lực nghiêm túc để làm tăng cường khả năng bảo mật mạng để chống lại các cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ.
Quốc Vinh