Theo hãng tin Sputnik (Nga), trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada, Valery Garbuzov đã khẳng định rằng “về cơ bản, tất cả những biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga mà phương Tây có thể thông qua đều đã được áp dụng”.
“Mỹ đã đi vào ngõ cụt trong việc thực hiện lệnh cấm vận với Nga. Điều duy nhất họ có thể làm là tiếp tục mở rộng danh sách các công ty và cá nhân người Nga bị áp đặt lệnh trừng phạt”, ông Garbuzov khẳng định.
Ông Valery Garbuzov nhận định rằng lệnh trừng phạt đang có ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế Nga, Châu Âu và thậm chí cả Mỹ.
Ông nói: “Lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây không phát huy được hiệu quả và sớm muộn gì Mỹ cũng sẽ nhận ra điều này, như điều đã từng xảy ra với trường hợp Cuba”.
Chuyên gia này cũng tin rằng Mỹ sẽ nhanh chóng trở lại hình thái “quyền lực mềm”.
“Sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ thấy những rạn nứt mà chiến lược này sẽ gây ra. Rất có thể nó sẽ bắt đầu từ Châu Âu bởi Châu Âu không muốn những lệnh trừng phạt này, và sau đó là Mỹ”, chuyên gia cho hay.
Quan điểm của ông Valery Garbuzov cũng nhận được sự ủng hộ từ ông Lutz Kleinwachter, tổng biên tập tạp chí về chính trị WeltTrends. Theo ông Lutz Kleinwachter, lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga là trở ngại đối với sự hợp tác với Nga và bởi vậy cần phải được dỡ bỏ.
“Những lệnh trừng phạt kinh tế này đều được áp dụng sau khi tình hình ở Ukraine trở nên bất ổn, và có nhiều tranh cãi nghiêm trọng trong nội bộ các nước châu Âu, cụ thể là giữa Đức và các nước thành viên EU cùng với Mỹ. Lệnh trừng phạt không giúp giải quyết vấn đề mà nó còn là rào cản đối với sự hợp tác và vì thế nó cần phải được xóa bỏ”, ông Lutz Kleinwachter nói qua cuộc điện đàm.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây giảm sút trầm trọng kể từ sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. Phương Tây sau đó cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đồng thời áp dụng nhiều trừng phạt đối với Nga.
Tháng 7 năm ngoái, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một loạt tổ chức và cá nhân của Nga và Ukraine.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa 26 cá nhân và tổ chức vào "danh sách đen" bị phong tỏa tài sản ở Mỹ, đồng thời cũng cấm người Mỹ kinh doanh với những đối tượng này.
Mới đây Bộ Tài chính Mỹ cũng đã công bố danh sách trừng phạt thêm hàng chục cá nhân và 7 công ty Nga đang phụ trách xây một cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea.
Trước đó, cơ quan này đã công bố danh sách trừng phạt bao gồm 11 quan chức Crimea và các công ty con của Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom.
Ngày 15/9 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và một số thực thể của Nga và Ukraine. Với quyết định trên, các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào các cá nhân và thực thể Nga và Ukraine sẽ kéo dài đến hết ngày 15/3/2017.
Trong hành động đáp lại sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ những nước áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga sau bước đi của Mỹ.
Nga nhiều lần tuyên bố đáp trả Mỹ về lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Nga. Mới đây nhất, tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov cho biết trong trường hợp Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt trên nhiều căn cứ sai trái và vô lý, Nga sẽ tìm cách đáp trả thích đáng.
"Trong trường hợp Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt trên nhiều căn cứ sai trái và vô lý, chúng tôi sẽ tìm cách đáp trả thích đáng để cán cân này sẽ phải thay đổi và điều đó sẽ không có lợi cho phía Mỹ", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với RIA Novosti.
Hạnh Hoa