Mỹ đối đầu "bộ tam" Nga-Thổ-Iran: Thiểu số có thắng đa số?

Mỹ đối đầu "bộ tam" Nga-Thổ-Iran: Thiểu số có thắng đa số?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 17/08/2018 08:11

Moscow-Ankara-Tehran đều bị đòn trừng phạt của Mỹ dồn vào đường cùng, tuy nhiên sự phối hợp chống lại Washington của bộ ba này đang thể hiện sự ngẫu hứng hơn là có kế hoạch tính toán rõ ràng.

Tiêu điểm - Mỹ đối đầu 'bộ tam' Nga-Thổ-Iran: Thiểu số có thắng đa số?

Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường phối hợp nhằm chống lại áp lực từ Mỹ.

Trong vài tuần qua, Mỹ đã áp đặt một loạt hành động trừng phạt nhằm vào Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, ba nước đã tăng cường phối hợp lẫn nhau, nhằm mục đích làm dịu bớt những tác động tiêu cực từ động thái của chính quyền Donald Trump, đồng thời từng bước thúc đẩy Washington tiến tới đối thoại để giải quyết những bất đồng.

Hành động của Mỹ đạt được mục tiêu

Với Iran, Mỹ tiếp tục các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào nước này sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân từ năm 2015. Một đợt trừng phạt nữa, sẽ được tiến hành vào ngày 5/11, nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận chuyển và đóng tàu của Iran, các giao dịch liên quan đến dầu mỏ và các giao dịch kinh doanh của các tổ chức tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran.

Vào ngày 8/8, bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sau những cáo buộc liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal.

Sau đó vào ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tăng gấp đôi thuế quan đối với các sản phẩm thép và nhôm từ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả yêu cầu trả tự do mục sư người Mỹ bị từ chối.

Các nhà phân tích tin rằng, các hành động của Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của cả ba nước nói trên.

Tuy nhiên, không chỉ vì lý do trên, Tân Hoa Xã dẫn lời David Pollock - chuyên gia cao cấp tại viện Nghiên cứu chính sách Cận đông, có trụ sở Washington - nhận định: Mục tiêu chính trong hành động của Mỹ là tạo nên tâm lý oán giận trong nội bộ Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ.

"Mục tiêu chính trong việc áp dụng đòn bẩy này là khiến cho người dân ở ba quốc gia cảm thấy tức giận và gây áp lực lên chính phủ của họ, buộc giới lãnh đạo các nước phải thay đổi chính sách", Pollock  nêu quan điểm.

Phản ứng của bộ tam

Trước chiến dịch áp lực của Mỹ, phản ứng của ba quốc gia nói trên ngày càng trở nên gắn kết. Sau bài phát biểu của ông Trump, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tiếp tục nâng cao hợp tác các vấn đề song phương và khu vực, trong đó tăng cường hơn nữa hợp tác về quốc phòng và năng lượng.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tới thăm Ankara vào đầu tuần tới để gặp đối tác Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại hai nước, đặc biệt là trong thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu và đường ống dẫn khí Turkish Stream.

Tiêu điểm - Mỹ đối đầu 'bộ tam' Nga-Thổ-Iran: Thiểu số có thắng đa số? (Hình 2).

Dù xích lại gần Nga, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên của NATO.

Ngoài ra, đã có thêm những dấu hiệu tăng cường phối hợp giữa Iran và Nga. Ngay sau khi Mỹ tuyên bố các lệnh trừng phạt đối với Iran, Nga cho biết sẽ bảo vệ quan hệ kinh tế và thương mại với Iran ở cấp quốc gia, đồng thời tìm kiếm các khía cạnh hợp tác kinh tế mới với Tehran.

Cuối tuần trước, Nga, Iran, cùng với Kazakhstan, Turkmenistan và Azerbaijan, đã ký một thỏa thuận tăng cường hoạt động hợp tác chung trên biển Caspian.

Năm quốc gia cam kết sẽ tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế khu vực, đồng thời cấm các quốc gia phi duyên hải triển khai lực lượng quân sự trên vùng biển này, ngăn cản các nước bên ngoài can thiệp vào các vấn đề khu vực.

Mối quan hệ giữa Ankara và Tehran cũng dần ấm lên trong vài ngày qua. Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang ưu tiên cho nhiều lĩnh vực tiềm năng để hai nước cùng nhau hợp tác vì lợi ích kinh tế.

Để ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã không ngại ngần chỉ trích hành động gây hấn của Mỹ là điều “đáng xấu hổ”.

Tân Hoa Xã dẫn lời Darrell West, chuyên gia cao cấp từ Viện Brookings nhận định: Khi cả Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành chủ đề trừng phạt của Mỹ, họ đã đoàn kết để ngăn chặn tác động tiêu cực đến từ các biện pháp trừng phạt và giúp đỡ nhau vượt qua khủng hoảng.

“Liên minh này có thể xoay chuyển cán cân quyền lực ở Trung Đông bằng cách hiệu chỉnh lại các chính sách của mình. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trả đũa Mỹ bằng cách gây khó dễ đối với các căn cứ quân sự của nước này tại đất nước họ”, West cho hay.

Benjamin Friedman, một học giả nghiên cứu quốc phòng và chính sách đối ngoại tại Defense Priorities, nhận xét: "Ba quốc gia đang hợp tác theo những cách hạn chế, mà chủ yếu là xoay quanh cuộc chiến ở Syria."

"Điều đó giúp họ chống lại Mỹ trên lĩnh vực ngoại giao ở Syria", ông nói. "Với việc Iran có quan hệ tốt với các cường quốc khác nhau, bao gồm Trung Quốc và thậm chí là cả các quốc gia châu Âu, chính quyền Trump sẽ khó lòng mà đạt được mục tiêu cô lập".

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng bộ ba Moscow-Ankara-Tehran đang thể hiện sự ngẫu hứng hơn là có kế hoạch tính toán rõ ràng. Hơn nữa, sự phân hóa của ba nước về các vấn đề khu vực như Syria cũng hạn chế đi những hiệu quả mà họ mong muốn đạt được.

Friedman cho rằng, ba quốc gia đang đối mặt với Washington "đang đi quá xa" vì "sự liên kết của họ vẫn còn hạn chế".

"Thổ Nhĩ Kỳ và sự hợp tác tăng cường với Nga gần đây có ảnh hưởng tới NATO, Syria và những thứ khác, nhưng không làm thay đổi sự cân bằng quyền lực một cách to lớn", ông nói. "Hãy nhớ rằng Thổ Nhĩ Kỳ dù có rắc rối với Mỹ thì vẫn là một đồng minh NATO, và NATO tồn tại là để đối đầu với Nga".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.