Sự kiện thể thao luôn là dịp tuyệt vời để mỗi quốc gia thể hiện “quyền lực mềm” trước công chúng quốc tế. Trùm phát xít Adolf Hitler đã tổ chức Thế vận hội Berlin năm 1936 để trình chiếu trước công chúng về hình ảnh một nước Đức yêu hòa bình và tử tế.
Thế giới phương Tây khi đó không chút ngại ngần nào trong việc tham gia vào một sự kiện thể thao và tách bạch hẳn với những lý do chính trị.
Nhưng với Nga lại khác, cả hai sự kiện quốc tế đình đám bao gồm Thế vận hội mùa hè 1980 tại Moscow và Thế vận hội mùa đông 1994 tại Sochi mà nước này tổ chức, đều trở thành mục tiêu chống phá của phương Tây.
Vào năm 1980, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tẩy chay sự kiện này, phản đối sự can thiệp của Liên Xô tại Afghanistan. Và vào năm 1994, phương Tây tiếp tục náo loạn Thế vận hội mùa đông Sochi sau những tranh cãi về vấn đề Ukraine.
Trong tuyên bố gần đây, Tổng thống Vladimir Putin tự hào cho rằng Nga đang tổ chức sự kiện thể thao lôi cuốn nhất thế giới - FIFA World Cup 2018 từ ngày 14/6 đến 15/7.
Moscow có thể cảm thấy thở phào nhẹ nhõm vì không có sự tẩy chay phương Tây trong sự kiện này và ba đội bóng châu Âu mạnh nhất là Đức, Pháp và Tây Ban Nha đều mang quyết tâm giành cúp vàng trên đất Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn cho biết tại St Petersburg tuần trước rằng ông dự định sẽ đến Nga lần nữa nếu Pháp tiến vào trận chung kết.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là liệu Mỹ có để yên cho Tổng thống Putin tận hưởng vinh quang của một World Cup thành công hay không.
Moscow đang trong giai đoạn chờ đợi và thận trọng trước mọi động thái gây hấn có thể xảy ra ở mọi điểm nóng như Syria và Ukraine.
Một cú đánh từ Washington ở Syria có thể đến từ bất kỳ tình huống nào - một cuộc tấn công khủng bố, một đòn khiêu khích làm bẽ mặt Nga hoặc một cuộc xung đột ngay tại Syria.
Tuy nhiên, xác suất Mỹ sử dụng phương thức này là khá thấp. Nga đang cảnh giác và chiếm lĩnh nhiều ưu thế ở Syria.
Trong những tuần gần đây, những chiếc máy bay vận tải lớn của Nga được cho là đang mang tới quốc gia Trung Đông số lượng lớn vũ khí.
Về mặt chính trị cũng vậy, phương Tây đang ngày càng hụt hơi về tầm ảnh hưởng so với Moscow ở Syria và sẽ dễ dàng bị chỉ trích về điều này.
“Người đàn ông của phương Tây ở Kiev”
Bất kỳ động thái nghiêm trọng nào nhằm làm tổn hại đến uy tín của Tổng thống Putin trong những tuần tới chỉ có thể bắt nguồn từ Ukraine.
Donbas là khu vực đang được phương Tây cân nhắc. Các nguyên liệu tạo nên kịch bản gây hấn đã được chuẩn bị, trong đó có vũ khí NATO và sự xuất hiện của nhiều lính đánh thuê ở Ukraine.
Tổng thống Viktor Poroshenko đang rất muốn có thêm sự tin yêu của Mỹ và EU khi sự quan tâm của phương Tây đối với ông đang ngày một suy yếu.
Nhà lãnh đạo này bị công chúng trong nước quay lưng khi suy giảm chỉ số tín nhiệm xuống chỉ còn 6% và phải đối mặt với cuộc bầu cử tổng thống cam go vào tháng 3 năm sau. Một sự bùng nổ ở Donbas có thể giúp Poroshenko trở thành "người đàn ông phương Tây ở Kiev".
Chắc chắn, nếu Donbas chứng kiến xung đột đẫm máu, Moscow cũng có thể quên đi hy vọng một khởi đầu mới với EU - đặc biệt là Đức và Pháp.
Một tuyên bố từ phía châu Âu thậm chí có thể yêu cầu trừng phạt nhiều hơn đối với Nga, cùng với đó sẽ là một lợi ích cho Mỹ trong việc khẳng định lại vị thế lãnh đạo mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào thời điểm châu Âu đang bày tỏ sự thất vọng và muốn rút khỏi.
Ở phía ngược lại, Tổng thống Putin chắc chắn sẽ bị chỉ trích nếu can thiệp vào Donbas và cũng tiếp tục bị chỉ trích nếu ông không ra tay trợ giúp cho những người ly khai nói tiếng Nga trong khu vực.
Trong một diễn biến đáng lưu ý gần đây, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bất ngờ mở trở lại các cuộc thảo luận về vai trò bị cáo buộc của Nga trong thảm kịch MH17 năm xưa.
Đại sứ Mỹ Nikki Haley tiếp tục xoáy sâu vai trò của Nga ở miền đông Ukraine và “sự sáp nhập có mục đích đối với Crimea”. Bà cảnh báo: “Cho đến khi nào Nga kết thúc hành động thái quá của mình ở Ukraine, lập trường của Mỹ sẽ không dao động”.
Những phát biểu của bà Haley sẽ làm giảm bất kỳ hy vọng nào cho Nga về việc tạo ra quyền lực mềm sau hậu trường của FIFA World Cup.
Trong khi đó, bất kỳ động thái làm bùng phát căng thẳng trở lại ở Donbas có thể chỉ là lý do để Washington hợp thức hóa yêu cầu từ Ba Lan gần đây về việc thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài tại quốc gia này với lực lượng vũ trang đầy đủ.
Warsaw đã cung cấp tới 2 tỷ USD để thiết lập cơ sở hạ tầng, trải thảm đỏ mời Washington. Điện Kremlin đã cảnh báo vào ngày 29/5 rằng bất kỳ "bước mở rộng" nào tương tự như vậy chắc chắn sẽ "dẫn đến những phản ứng của phía Nga để cân bằng lại”.
Nước Nga có thể tiếc nuối khi đội tuyển Mỹ đã bị loại khỏi FIFA World Cup sau thất bại trước Trinidad và Tobago, điều này đã làm giảm mức độ quan tâm của công chúng Mỹ trong sự kiện sắp tới.
Nhưng bất chấp như vậy, chính quyền Mỹ sẽ tìm một cách khác để tiếp tục gắn tên tuổi mình vào một sự kiện thể thao do Nga tổ chức.