Ngày 22/12, Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết, khoảng 3% trong 3.400 tỷ USD (tương đương gần 100 tỷ USD) tiền cứu trợ Covid-19 của Chính phủ Mỹ dành để giúp đỡ doanh nghiệp và người thất nghiệp đã bị "thất thoát" vì các hành vi phạm tội. Hầu hết số tiền thất thoát là do bị gian lận trong chương trình trợ cấp thất nghiệp.
Cơ quan Mật vụ Mỹ ước tính số tiền thất thoát nói trên dựa vào các trường hợp được cơ quan này ghi nhận và dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, không tính các trường hợp gian lận bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố.
Bộ Lao động Mỹ báo cáo, khoảng 87 tỉ USD tiền trợ cấp thất nghiệp có thể đã được trả sai cách, phần lớn là do gian lận nhưng cũng có một số trường hợp là do trả nhầm cho những người không đủ điều kiện nhận.
Ngày 21/12, Cơ quan Mật vụ Mỹ đã bổ nhiệm đặc vụ Roy Dotson làm điều phối viên chương trình thu hồi số tiền thất thoát. Cơ quan Mật vụ đang thực hiện hơn 900 cuộc điều tra về hành vi chiếm đoạt tiền cứu trợ ở các bang và cho đến nay đã bắt giữ hơn 100 người. Chính phủ Mỹ cũng làm việc với các công ty tư nhân, bao gồm cả PayPal, để thu hồi số tiền này. Tính đến hiện tại, số tiền thu hồi được mới chỉ là 2,3 tỉ USD.
CNBC dẫn lời ông Dotson cho biết: "Thật đáng xấu hổ khi lợi dụng các chương trình này vì lợi ích cá nhân".
“Tôi đã làm đặc vụ trong hơn 29 năm và thực hiện một số cuộc điều tra tội gian lận phức tạp trong hơn 20 năm qua nhưng chưa bao giờ chứng kiến tội phạm ở quy mô này”, ông Dotson nói.
“Người dân có thể dễ dàng đăng ký nhận các khoản hỗ trợ này trên mạng. Điều đó cũng tạo cơ hội cho những kẻ xấu”, ông Dotson giải thích.
Những người bị cáo buộc trục lợi từ chương trình cứu trợ bao gồm các nhóm tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, một số người cũng coi các chương trình cứu trợ này là cách để làm giàu nhanh chóng.
Tuần trước, một người đàn ông Texas bị bắt vì lấy 3,3 triệu USD tiền cứu trợ Covid-19 mua bất động sản, xe sang và máy bay riêng. Tháng 11, một người đàn ông Texas khác bị kết án hơn 9 năm tù vì chi hơn 1,6 triệu USD tiền cứu trợ để mua sắm các món đồ xa xỉ như một chiếc đồng hồ Rolex 14.000 USD, một chiếc Lamborghini và chi tiền cho vũ công thoát y.
Cũng trong tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố hơn 150 nghi phạm trong hơn 95 vụ án hình sự và tịch thu hơn 75 triệu USD tiền mặt từ các quỹ trong Chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP), cũng như các bất động sản và những mặt hàng xa xỉ khác được mua bằng số tiền bất chính.
"Liệu chúng tôi có thể ngăn chặn gian lận được hay không? Không, nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể truy tố những người cần bị truy tố và chúng tôi có thể cố hết sức để thu hồi số tiền đã bị gian lận về cho các quỹ", ông Roy Dotson nhấn mạnh.
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ Online)