Bộ Thương mại Mỹ vừa gia hạn lệnh cấm xuất khẩu đối với 3 công ty có trụ sở tại nước này vì đã xuất khẩu trái phép công nghệ vệ tinh, tên lửa và quốc phòng sang Trung Quốc, chính phủ Mỹ cho biết.
Cụ thể, các công ty Quicksilver Manufacturing, Rapid Cut và US Prototype bị cáo buộc là đã gửi các bản vẽ kỹ thuật và thiết kế liên quan đến vệ tinh, tên lửa và quốc phòng từ khách hàng Mỹ sang các nhà sản xuất ở Trung Quốc mà không được phép.
Trong số 3 công ty trên, US Prototype ít được biết đến, trong khi Quicksilver Manufacturing và Rapid Cut khá nổi tiếng trên mạng trong lĩnh vực in 3D. Cả 3 công ty đều có trụ sở tại cùng một địa điểm ở Wilmington, Bắc Carolina và do Giám đốc điều hành Peter Lamporte đứng đầu.
Vào tháng 2/2020, một công ty công nghệ quốc phòng và hàng không vũ trụ Mỹ đã thông báo cho Bộ Thương mại Mỹ về một vụ rò rỉ công nghệ vệ tinh.
Bộ này sau đó đã tiến hành điều tra và phát hiện ra rằng công ty Quicksilver Manufacturing đã nhận được đơn đặt hàng các bộ phận vệ tinh cho các nguyên mẫu mà công ty này phát triển từ tháng 7/2017. Để chế tạo các bộ phận này, Quicksilver đã gửi hàng chục bản vẽ kỹ thuật và bản thiết kế đến một công ty Trung Quốc để gia công in 3D mà không xin giấy phép.
Quicksilver bị cáo buộc là thiếu thận trọng, vì họ đã bàn giao sản phẩm cho đối tác của mình trong đó có một ghi chú đóng gói bằng tiếng Trung Quốc vào tháng 8 năm đó, chỉ một tháng sau khi Rapid Cut bị cáo buộc vi phạm tương tự. Cả 3 công ty đã bị cấm xuất khẩu trong 180 ngày.
Quicksilver cũng có liên quan đến một vi phạm liên quan đến một công ty khoa học và kỹ thuật tiên tiến có hợp đồng với Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại Mỹ cho biết.
Từ tháng 6 đến nay, bộ này đã phát hiện thêm một số doanh nghiệp Mỹ làm việc với 3 công ty này để xuất khẩu trái phép các bộ phận vũ khí và chi tiết công nghệ vũ trụ sang Trung Quốc.
Việc này được cho là gây tổn hại cho an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, bộ Thương mại Mỹ quyết định từ chối các đặc quyền xuất khẩu của 3 công ty thêm 180 ngày nữa, đồng thời thông báo cho các công ty khác tránh kinh doanh với họ.
Nguyễn Tuyết (Theo Al Jazeera, 3D Printing Industry)