Mỹ gỡ rào cản vũ khí tầm xa cho Ukraine: Tác động tới xung đột ra sao?

Thứ 2, 18/11/2024 15:55

Hiện chưa rõ Ukraine chỉ có thể sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công mục tiêu ở vùng Kursk của Nga hay bao gồm cả các vùng lân cận khác giáp biên giới.

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters.

Theo ABC News, quyết định được chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra trong bối cảnh còn khoảng 2 tháng nữa là ông Biden rời nhiệm sở. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa lên tiếng bình luận nhưng cũng không phủ nhận thông tin truyền thông Mỹ đăng tải.

Vì sao bây giờ ông Biden mới đưa ra quyết định?

Trong nhiều tháng, Ukraine đã cố gắng thuyết phục Mỹ cho phép sử dụng tên lửa ATACMS với tầm bắn 300km để tấn công lãnh thổ Nga. Trước đây, Ukraine chỉ được phép sử dụng loại tên lửa uy lực này để tấn công mục tiêu Nga ở tiền tuyến hoặc bán đảo Crimea.

George Barros, nhà phân tích hàng đầu về Nga và Ukraine tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở ở Mỹ, nói việc Nga nhờ sự giúp đỡ của đồng minh trong giao tranh với Ukraine ở vùng Kursk là điều thúc đẩy chính quyền Tổng thống Biden đưa ra quyết định.

“Tôi nghĩ rằng đây mới là sự khởi đầu”, chuyên gia Barros nói với ABC News. Viễn cảnh nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng là một yếu tố tác động tới quyết định của ông Biden, chuyên gia Barros nhận định.

“Tôi nghĩ ông Biden và các cố vấn đang cố gắng làm những gì có thể khi vẫn còn đang nắm quyền ở Nhà Trắng, trước khi chuyển giao quyền lực cho ông Trump vào tháng 1/2025”, chuyên gia Barros giải thích.

Chuyên gia này nói  các chính sách của ông Biden đối với Ukraine sẽ trở thành một phần di sản và động thái này, mặc dù muộn, nhưng là một phần trong quyết định củng cố di sản đó.

Ukraine có thể nhắm tới các mục tiêu nào?

img

Tầm bắn của tên lửa ATACMS trong lãnh thổ Nga (vùng màu xám). Ảnh: ABC News.

Hiện chưa rõ Ukraine chỉ có thể sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công mục tiêu ở vùng Kursk của Nga hay bao gồm cả các vùng lân cận khác giáp biên giới.

Các quyết định tập kích bằng tên lửa ATACMS nhiều khả năng sẽ cần có sự phê duyệt trực tiếp của Mỹ. Nga từng tuyên bố Ukraine không thể tự thực hiện các cuộc tấn công tầm xa trong lãnh thổ nước này mà không có phương Tây cung cấp tọa độ vệ tinh hay thông tin tình báo.

Theo chuyên gia Barros, một trong những mục tiêu của Ukraine và Mỹ là nhắm tới mạng lưới hậu cần của Nga, bao gồm trung tâm hậu cần, thiết bị liên lạc và các tuyến đường cung cấp cung thực phẩm, nhiên liệu và đạn dược đến tiền tuyến.

Thông qua việc sử dụng tên lửa ATACMS, Ukraine có thể sẽ tìm cách làm suy yếu cuộc phản công của Nga ở vùng Kursk để duy trì sự hiện diện trong lãnh thổ Nga, ít nhất cho đến mùa xuân năm sau.

Tác động tới cuộc xung đột ra sao?

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X vào ngày 18/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ám chỉ Kiev được Mỹ gỡ rào cản vũ khí tầm xa. “Các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Tên lửa sẽ tự lên tiếng", ông Zelensky cho biết.

Giáo sư Stephan Fruehling đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Úc, nói không có bất cứ vũ khí nào có thể đảo ngược cục diện xung đột vào thời điểm này. Nhưng Ukraine vẫn có thể sử dụng tên lửa ATACMS để làm suy yếu năng lực hậu cần hoặc năng lực phòng không của Nga.

img

Tên lửa ATACMS được Mỹ phóng thử vào năm 2021. Ảnh: US Army.

"Tác động tới cuộc xung đột là không đáng kể, nhưng vẫn có thể sẽ gây ảnh hưởng ở một mức độ nào đó", ông Fruehling nói với ABC News.

Giáo sư Fruehling lưu ý, Nga đã có nhiều tháng để chuẩn bị phương án đối phó. Từ mùa hè năm nay, Nga đã đưa các máy bay chiến đấu và di chuyển các trụ sở quân sự quan trọng khỏi tầm bắn của tên lửa ATACMS.

“Số lượng tên lửa ATACMS tầm bắn 300km mà Mỹ cung cấp cho Ukraine không lớn. Nga đã có thời gian chuẩn bị”, ông Fruehling nói, dự đoán mức độ hiệu quả của một cuộc tấn công như vậy là không cao.

Theo Reuters, Ukraine dự định sẽ sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga trong vài ngày tới. “Đến lúc này, vấn đề chỉ là mức độ, chứ quyết định của Mỹ cũng không phải là yếu tố đặt cỗ máy chiến tranh của Nga vào tình thế nguy hiểm”, ông Fruehling nhận định.

Đăng Nguyễn - ABC News

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.