Sự xuất hiện của máy bay quân sự Nga ở Venezuela vào tháng 3/2019 đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Mỹ, khi nước này cáo buộc Moscow “gây bất ổn tình hình” ở quốc gia Mỹ Latinh, nơi đang chìm trong một cuộc khủng hoảng chính trị. Về phần mình, Nga đã nhiều lần khẳng định rằng, các máy bay của họ đến theo thỏa thuận song phương với Caracas.
Mới đây, Mỹ đã tiếp tục gây áp lực bằng cách kêu gọi các nước trên thế giới từ chối cho phép các máy bay Nga nhờ không phận để bay tới Venezuela, giống như sự từ chối của Malta. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói rằng quyết định như vậy có thể giúp ngăn chặn sự ủng hộ của Nga đối với Tổng thống Nicolas Maduro.
Trước đó, người phát ngôn bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, Malta đã từ chối “bật đèn xanh” cho hai máy bay Nga chở hàng hóa và nhân viên tới Venezuela.
Người phát ngôn lưu ý rằng, Malta không nói bất kỳ lý do nào để giải thích về lời từ chối và cho biết, Moscow sẽ cân nhắc vấn đề này trong quan hệ song phương với quốc đảo.
Venezuela hiện đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị khi nhân vật đối lập Juan Guaido tuyên bố tự nhận là nhà lãnh đạo lâm thời của đất nước. Động thái này ngay lập tức được Mỹ và hầu hết các nước phương Tây ủng hộ, nhưng bị Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và nhiều nước khác chỉ trích gay gắt. Các nước bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống được bầu theo hiến pháp, Nicolas Maduro.
Washington và Moscow đã có những tranh cãi ở Venezuela, đặc biệt là sự xuất hiện của các máy bay Nga chở nhân viên quân sự vào tháng 3/2019. Mỹ gọi sự xuất hiện của họ là "sự khiêu khích không mong muốn". Trong khi Moscow nói rằng các nhân viên quân sự của mình đến để tiến hành bảo trì công nghệ quân sự Nga theo thỏa thuận song phương với Caracas.