Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát biểu: “Việc sử dụng những chất hóa học này không hề chỉ xảy ra trong những vụ việc đơn lẻ và có thể được Nga thực hiện nhằm đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi vị trí kiên cố và giành lấy lợi thế chiến lược trên chiến trường”.
Đại sứ quán Nga tại Washington đã không lập tức phản hồi các yêu cầu bình luận.
Chloropicrin được liệt kê là một loại hóa chất gây ngạt bị cấm bởi Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) tại Hague, một tổ chức được thành lập nhằm thực hiện và đảm bảo tuân thủ Công ước về Vũ khí Hóa học (CWC) năm 1993.
Những vụ việc binh lính Đức phóng khí gas nhằm vào quân Đồng minh trong Thế Chiến I là một trong những lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng.
Đầu tháng vừa rồi, Reuters đã trích lời quân đội Ukraine báo cáo về việc Nga đang đẩy mạnh việc sử dụng hóa chất kiểm soát bạo động trong cuộc tiến công lớn nhất tại miền Đông Ukraine trong hơn hai năm qua.
Quân đội Ukraine khẳng định, bên cạnh chloropicrin, lực lượng Nga cũng đã sử dụng lựu đạn phóng khí gas CS và CN. Lực lượng này cho biết, ít nhất 500 binh lính Ukraine đã bị buộc phải được điều trị sau khi phơi nhiễm các hóa chất độc hại, và một binh lính đã thiệt mạng do ngạt thở hơi cay.
Mặc dù thường dân thường có thể thoát khỏi khí gas kiểm soát bạo động trong các cuộc biểu tình nhưng các binh lính kẹt dưới chiến hào mà không có mặt nạ chống khí gas bị buộc phải bỏ chạy dưới làn đạn hoặc phải đối mặt với khả năng chết ngạt.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã gửi kết luận lên Quốc hội Mỹ về việc Nga đã sử dụng chloropicrin nhằm vào binh lính Ukraine và vi phạm CWC.
Báo cáo này cho rằng việc Moscow sử dụng khí gas này “trùng hợp với phương pháp trong chiến dịch đầu độc” cựu lãnh đạo phe chống đối Alexei Navalny trong năm 2020 và Sergei Skripal cùng con gái Yulia trong năm 2018 bằng chất độc thần kinh Novichok.
Nga đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng chính phủ nước này có dính líu tới hai vụ việc.
Báo cáo này cho biết, Bộ ngoại giao Mỹ cũng đã kết luận Nga đã vi phạm điều khoản cấm sử dụng hóa chất kiểm soát bạo động làm vũ khí chiến tranh của CWC.
Bộ này cho biết đã đưa ra lệnh trừng phạt áp đặt lên ba cơ quan quốc gia Nga có liên quan tới chương trình vũ khí hóa sinh của Moscow, bao gồm một đơn vị quân sự chuyên môn đã sử dụng chloropicrin lên binh lính Ukraine.
Bộ này cũng cho biết, bốn công ty của Nga đã hỗ trợ ba cơ quan trên cũng đã chịu lệnh trừng phạt.
Những lệnh trừng phạt này sẽ đóng băng tài sản tại Mỹ thuộc về các cơ quan này và nhìn chung sẽ bị cấm kinh doanh với các doanh nghiệp Mỹ.
Ngoài ra, Bộ Ngân khố Mỹ cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt lên ba cơ quan và hai cá nhân có liên quan tới quy trình thu mua hàng hóa cho những cơ quan tại Nga có liên quan tới chương trình vũ khí hóa sinh của quốc gia này.
Những lệnh cấm này là một phần trong những chính sách mới mà Mỹ tuyên bố trong ngày thứ Tư nhằm vào Nga trong cuộc chiến từ năm 2022 tại Ukraine.
Công ước CWC cấm sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học. Công ước này cũng yêu cầu 193 nước đã phê chuẩn, bao gồm Nga và Mỹ, phải tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học bị cấm còn tồn đọng.
Bộ Ngoại giao Mỹ dự kiến sẽ gửi kết luận Nga đã vi phạm CWC lên OPCW.
Nga và Ukraine đã thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm công ước tại các buổi họp của OPCW. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết vẫn chưa được chính thức yêu cầu mở một cuộc điều tra về các cáo buộc xung quanh sử dụng hóa chất cấm tại Ukraine.
Reuters hiện vẫn chưa thể độc lập xác minh việc sử dụng hóa chất bị cấm từ cả hai nước trong cuộc xung đột.
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)