Ngày 27/7, Hiệp hội Môi giới Bất động sản quốc gia Mỹ (NAR) cho biết, số hợp đồng mua nhà ở có sẵn tại Mỹ được ký kết trong tháng 6/2022 đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo doanh số bán nhà có sẵn thấp nhất kể từ tháng 9/2011 (không tính 2 tháng đầu tiên của giai đoạn phong tỏa phòng dịch Covid-19).
Theo thông tin từ TTXVN tại Washington, tính trên cơ sở hàng tháng, số hợp đồng mua nhà đang chờ xử lý (những hợp đồng đã ký nhưng chưa hoàn tất thủ tục giấy tờ) giảm 8,6% so với tháng 5, cao hơn mức dự báo 1% của các chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát của Dow Jones.
Nhu cầu mua nhà ở có sẵn tại Mỹ giảm cùng lúc lãi suất vay thế chấp ngân hàng tăng mạnh.
Lãi suất trung bình của một khoản vay cố định thời hạn 30 năm đã tăng trên 6% vào giữa tháng 6, gấp đôi mức lãi suất trung bình áp dụng hồi đầu năm. Lãi suất cao và lạm phát đang ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người mua nhà ở Mỹ.
Theo nhà kinh tế trưởng Lawrence Yun thuộc NAR, số hợp đồng mua nhà đã ký sẽ tiếp tục giảm chừng nào lãi suất vay thế chấp còn tăng. Tuy nhiên, ông cho biết, lãi suất vay thế chấp có thể chạm mức đỉnh hoặc rất gần với mức đỉnh của chu kỳ vào tháng 7 tới và đây có thể là tín hiệu tích cực với thị trường bất động sản.
NAR dự báo tổng doanh số bán nhà ở Mỹ trong năm nay giảm 13% nhưng sẽ bắt đầu tăng vào đầu năm sau. Tuy nhiên, mức tăng phụ thuộc phần lớn vào lãi suất vay thế chấp.
Trong một diễn biến liên quan, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 27/7 đã nâng lãi suất thêm 0,75% trong nỗ lực chống lạm phát đang ở mức cao nhất trong 41 năm qua (9,1% ghi nhận hồi tháng 6/2022).
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm (Fed fund rate) được nâng lên 2,25%-2,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Mức tăng 75 điểm cũng là động thái cứng rắn nhất của Fed kể từ đầu thập niên 90. Đây là lần thứ 4 Fed tăng lãi suất trong năm nay.
Động thái chưa từng có tiền lệ này cho thấy, Fed quyết tâm đến mức nào trong cuộc chiến chống lạm phát hiện cao nhất 4 thập kỷ. "Các số liệu gần đây cho thấy tiêu dùng và sản xuất đang yếu đi", Fed cho biết trong thông báo. "Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm vài tháng gần đây vẫn mạnh. Tỉ lệ thất nghiệp hiện vẫn thấp. Lạm phát thì đang tăng tốc, phản ánh sự mất cân bằng cung – cầu do đại dịch, giá lương thực, nhiên liệu cao và nhiều sức ép giá trên diện rộng".
Các đợt tăng lãi suất nhanh chóng của Fed đã kìm hãm thị trường nhà ở tại nước này.
Lãi suất cao hơn đang thúc đẩy chi phí đi vay đối với thẻ tín dụng, một số khoản vay mua ôtô và các khoản vay khác không có lãi suất cố định, khiến nhiều gia đình phải cân đối lại các khoản chi tiêu.
Minh Hoa (t/h)