Gay cấn đến sau thượng đỉnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ kết thúc chuyến công du châu Âu bằng cuộc gặp tại Geneva hôm 16/6 với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hội nghị thượng đỉnh rất được mong đợi này đã được hai bên thiết lập vào tháng 4 - trước khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt và trục xuất các nhà ngoại giao Moscow. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Putin và ông Biden mặt đối mặt trên cương vị tổng thống.
Cả hai nhà lãnh đạo khi đến với hội nghị đều thừa nhận một điều: Căng thẳng giữa hai cường quốc vẫn ở mức cao trong nhiều năm qua, bằng chứng là hàng loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, trục xuất ngoại giao và những cáo buộc lặp đi lặp lại về can thiệp nội bộ và tấn công mạng.
Theo CBS News, chính quyền Biden hy vọng sẽ thúc đẩy một "mối quan hệ ổn định và dễ đoán" hơn với Nga. Còn đối với Tổng thống Putin, hội nghị thượng đỉnh ở Geneva là nơi để Nga được ghi nhận như một cường quốc toàn cầu.
"Có lẽ điều quan trọng nhất đối với Moscow là biến mối quan hệ trở nên thực dụng", Tatyana Stanovaya, học giả tại Trung tâm Carnegie Moscow, nói. "Điều họ hướng đến là thuyết phục ông Biden hiểu rằng hai quốc gia phải học cách tính đến lợi ích của nhau và công nhận những đặc quyền nhất định cho nhau".
Nga-Mỹ đều hạ thấp kỳ vọng về hội nghị thượng đỉnh cũng như không mong đợi có bước đột phá. Đáng chú ý hơn, kế hoạch để các nhà lãnh đạo tổ chức họp báo riêng và chỉ đưa ra các tuyên bố đơn phương sau cuộc gặp là một sự khác biệt rõ ràng so với các hội nghị hượng đỉnh mà ông Putin từng tổ chức với các nhà lãnh đạo Mỹ kể từ khi nhậm chức năm 2000.
Dù kết quả trước mắt ra sao, Geneva có thể cho thấy đây là một sự kiện ít gây bất ngờ so với hội nghị thượng đỉnh giữa ông Putin với người tiền nhiệm của ông Biden. Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã gây chấn động thế giới khi đứng bên cạnh ông Putin và tuyên bố tin tưởng vào nhà lãnh đạo Nga nhiều như ông dành niềm tin cho cơ quan tình báo Mỹ.
“Khi hội nghị thượng đỉnh Helsinki 2018 kết thúc, mọi người đều cảm thấy ông Putin đã giành chiến thắng và ông Trump lép vế hơn. Nhưng sau đó kết quả tích cực này nhanh chóng bốc hơi và Nga phải đối mặt với một làn sóng trừng phạt mới, vì vậy bản thân hội nghị thượng đỉnh đã không mang lại cho Moscow bất cứ điều gì."
“Bản thân hội nghị thượng đỉnh và những gì diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh là điều rất khác nhau”, Stanoyava nói. "Những gì thực sự xảy ra sau đó có lẽ còn quan trọng hơn cả bản thân cuộc gặp thượng đỉnh”.
Nga không đánh mất lợi thế
Brian Whitmore, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nêu quan điểm rằng, chính quyền Biden sẽ cố gắng “chuyển đổi mối quan hệ với Nga từ một mối quan hệ đối địch khó lường thành một mối quan hệ đối nghịch dễ đoán trước”.
“Điều tốt nhất mà chính quyền Mỹ hy vọng từ hội nghị là đạt được sự thấu hiểu phần nào đó về Nga trong cuộc chơi”, Whitmore nói với Al Jazeera.
Trong khi đó, Robert Legvold, giáo sư danh dự về khoa học chính trị của Đại học Columbia cho rằng, cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin sẽ là một sự hiệu chỉnh lại.
“Cả hai đều tưởng rằng họ thấu hiểu về nhau, nhưng thực chất hai người cần phải cập nhật mới hơn, điều đó quan trọng hơn bất kỳ kỳ vọng nào khác”, Legvold nói.
Thực tế cho thấy chính quyền Biden sẽ khó đạt được tiến bộ đối với các mục tiêu của mình, đặc biệt khi Moscow không tin rằng một mối quan hệ dễ đoán hơn sẽ có lợi cho mình.
“Tôi không nghĩ Nga muốn có một mối quan hệ ổn định, dễ đoán trước. Chính sự khó đoán của mối quan hệ chính là lợi thế bất đối xứng cho ông Putin”, chuyên gia Whitmore kết luận.
“Điện Kremlin muốn chuyển đổi sang một mối quan hệ đối địch nhưng tôn trọng thay vì là một mối quan hệ không tôn trọng mà hai nước đang có ngày nay”, Vladimir Frolov, nhà bình luận về các vấn đề đối ngoại nói với ABC News.
“Nga muốn được đối xử như cách Liên Xô nhận được từ Mỹ trong những năm 1970-1980. Không chỉ trích cá nhân đích danh, không trừng phạt lãnh đạo, không có bài giảng về dân chủ, các cuộc họp thượng đỉnh thường xuyên; giọng điệu tôn trọng các cuộc thảo luận, không có sự ủng hộ hữu hình đối với phe đối lập của Nga”.
Tuy nhiên, với việc cả hai đều không thoải mái với mối quan hệ thấp như thời Chiến tranh Lạnh, một số nhà quan sát tin rằng có một động lực để Nga-Mỹ hướng tới điểm chung.
Theo đó, các vấn đề toàn cầu như COVID-19 và biến đổi khí hậu được coi là các lĩnh vực hợp tác có thể dung hòa cả hai.