Tờ Washington Post dẫn lời giới chức Mỹ cho hay, Ngoại trưởng John Kerry đang cố thuyết phục Chính phủ Nga và Syria chấm dứt bạo lực ở Aleppo trước khi ông Donald Trump nhậm chức vào đầu năm 2017.
Ngoại trưởng Mỹ đã điện đàm với người đồng cấp Nga 2 lần trong 1 tuần và gặp nhau tại Hội nghị APEC diễn ra ở Peru để bàn về vấn đề trên.
Phụ tá tổng thống Nga, ông Yury Ushakov cho rằng những nỗ lực của ông Kerry là “rất tích cực” và thậm chí “không thể tưởng tượng được” do chưa bao giờ có nhiều cuộc điện đàm như thế giữa hai bên mà chỉ nói về một chủ đề duy nhất – Syria.
Theo Washington Post, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đang cố gắng lôi kéo nhiều bên tới cùng ngồi vào bàn đàm phán về Syria, bao gồm Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, dù chỉ nói về một vấn đề duy nhất là Aleppo, một thành phố từng là trung tâm thương mại ở Syria trước khi xảy ra chiến tranh.
Theo đề nghị thỏa thuận từ phía Mỹ, Washington cam kết sẽ thuyết phục các nhóm phiến quân “đối lập ôn hòa” phải cắt đứt quan hệ với al-Nusra Front, một nhóm khủng bố được coi là một nhánh của al-Qaeda tại Syria.
Đó là điều mà Washington đã hứa vào hồi tháng 9 nếu ông John Kerry đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Tuy nhiên, các phiến quân do Mỹ chống lưng đã từ chối tuân theo, khiến thỏa thuận ngừng bắn trên toàn Syria do Mỹ, Nga đứng ra làm trung lập bị “chết yểu”.
Dường như Mỹ đang muốn Syria và các lực lượng đồng minh ngừng bao vây phía đông Aleppo, nơi các phiến quân đang chiếm đóng, và cho phép các đoàn viện trợ nhân đạo tiến vào.
Theo tờ Sputnik, Washington dường như cố ý không biết một thực tế rằng Damascus và Moscow đã nhiều lần mở các hành lang nhân đạo vào phía đông Aleppo. Vì thế, những sáng kiến này trở nên phức tạp hơn bởi những nhóm phiến quân hoạt động ở khu vực.
Thượng tướng Leonid Ivashov, Chủ tịch Viện nghiên cứu Địa chính trị Nga nói rằng ông Kerry chính là lý do khiến Aleppo cho tới giờ này vẫn chưa được giải phóng.
“Tôi nghĩ rằng sự can thiệp của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ngăn chặn việc giải phóng thành phố Aleppo. Khi kế hoạch hoạt động của các bên đã được đặt ra, ông ấy lại ra yêu cầu trì hoãn”, ông Ivashov nói.
Trước đó, trong tháng 11, Ngoại trưởng Nga cho biết cả hai nước đang cố đạt được một thỏa thuận về vấn đề Syria. Ông cho biết, các chuyên gia từ các nước Trung Đông có liên quan tới cuộc chiến Syria cũng cùng tham gia vào tiến trình để đạt được thỏa thuận trên.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cho rằng phía Washington vẫn chưa dứt khoát với vấn đề các nhóm “đối lập ôn hòa” bởi họ muốn “giữ al-Nusra Front là lực lượng đối lập hiệu quả nhất chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad”.
Chính quyền ông Obama luôn cho rằng chính quyền Assad hiện tại là “trở ngại” khiến cuộc chiến tại Syria không thể chấm dứt trong suốt hơn 5 năm qua. Trong khi đó, Nga lại ủng hộ ông Assad và duy trì quan điểm rằng việc lật đổ ông Assad sẽ tăng thêm sức mạnh cho những nhóm khủng bố cực đoan được nước ngoài hỗ trợ.
Theo Sputink, dường như Moscow và Washington sẽ không thể đạt được thỏa thuận một khi ông Obama còn tại nhiệm. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại cho hay ông sẵn sàng hợp tác với Moscow và lên tiếng bày tỏ quan ngại với chiến lược ủng hộ phiến quân đối lập của Mỹ tại Syria.
“Moscow thực sự hi vọng rằng chính quyền mới của Nhà Trắng sẽ ưu tiên chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan hơn, giúp những thỏa thuận chung đi vào thực chất”, Maxim A. Suchkov, chuyên gia của Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga, nhận định trên tờ al-Monitor.
Xem thêm: Syria: Phòng tuyến sụp đổ, phiến quân tháo chạy khỏi khu đông Aleppo
Danh Tuyên