Mỹ đã tạm dừng chuyển giao vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine do thiếu kinh phí ngân sách cho các chương trình như vậy, Điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết.
“Chúng tôi đã ban hành gói viện trợ cuối cùng theo PDA mà chúng tôi có kinh phí hỗ trợ”, quan chức Nhà Trắng cho biết khi trả lời câu hỏi về viện trợ quân sự của Washington cho Kiev, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin hôm 12/1.
PDA, tức Quyền rút vốn của Tổng thống, cho phép Chính quyền Biden chuyển giao vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.
Gói viện trợ cuối cùng theo PDA của Mỹ dành cho Ukraine, được công bố hôm 27/12 năm ngoái, có trị giá 250 triệu USD. Gói này bao gồm đạn phòng không, đạn bổ sung cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 155 mm và 105 mm, và đạn chống thiết giáp.
Trước đó, Nhà Trắng đã liên tục cảnh báo về sự cạn kiệt viện trợ của Mỹ cho Ukraine vào cuối năm 2023, và rằng dòng viện trợ chỉ có thể tiếp tục chảy nếu lưỡng viện Quốc hội Mỹ “bật đèn xanh” cho khoản chi tiêu bổ sung mà ông Biden đã đề xuất từ tháng 10 năm ngoái.
“Đó là lý do tại sao điều quan trọng là Quốc hội phải thông qua yêu cầu bổ sung về an ninh quốc gia và chúng tôi sẽ nhận được nhiều kinh phí hơn”, ông Kirby nói. “Sự hỗ trợ mà chúng tôi cung cấp hiện đã bị dừng lại”.
Vị quan chức Nhà Trắng nhận định rằng nhu cầu nhận thêm vũ khí Mỹ ở Ukraine đang trở nên cực kỳ cấp thiết, “đặc biệt là trong những tháng mùa đông này”.
Số phận của gói viện trợ bổ sung trị giá 106 tỷ USD mà Tổng thống Biden đã đề xuất với Quốc hội Mỹ, bao gồm 60 tỷ USD viện trợ cho Kiev, vẫn chưa rõ ràng. Đảng Cộng hòa nhấn mạnh rằng việc cải thiện an ninh biên giới phải là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào về viện trợ cho Ukraine.
Diễn biến mới nhất ở Mỹ càng khiến triển vọng viện trợ cho Kiev thêm ảm đạm. Tổng thanh tra Lầu Năm Góc, trong một báo cáo công bố hôm 11/1, đã nêu vấn đề trách nhiệm giải trình của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc theo dõi phần lớn các mặt hàng quân sự nhạy cảm đã được cung cấp cho Ukraine, bao gồm các tên lửa vác vai Javelin và Stinger, kính nhìn xuyên đêm, máy bay không người lái tấn công cảm tử và các thiết bị nhạy cảm khác trị giá hơn 1 tỷ USD.
Báo cáo của cơ quan giám sát, đặt ra câu hỏi về khả năng của Mỹ trong việc đảm bảo rằng những vũ khí đã được chuyển ra tiền tuyến không bị đánh cắp, rõ ràng đã được tiết lộ vào thời điểm rất không thích hợp.
Các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đã phản bác báo cáo này, cho biết trong các phản hồi chính thức rằng mặc dù việc theo dõi viện trợ quân sự theo thời gian thực là không thể trong thời chiến, nhưng họ đã nghĩ ra các phương pháp thay thế để người Ukraine kiểm soát các thiết bị và vũ khí và mang lại kết quả hài lòng.
Trong bối cảnh bất định về viện trợ từ các đồng minh chính ở phương Tây, bao gồm Mỹ và EU, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bất ngờ thực hiện chuyến công du tới các quốc gia vùng Baltic.
Trong chuyến đi tới Litva (Lithuania), Latvia và Estonia, một số quốc gia ủng hộ Kiev trung thành nhất trong EU và liên minh quân sự NATO, ông Zelensky hy vọng sẽ đẩy lùi sự mệt mỏi giữa các đồng minh phương Tây của Ukraine, đảm bảo nhiều viện trợ tài chính và quân sự hơn, đồng thời thảo luận về nỗ lực gia nhập NATO và EU của Kiev.
Tổng thống Zelensky nói với giới truyền thông ở Tallinn (Estonia) hôm 11/1 rằng Ukraine sẽ khó tồn tại trừ khi nhận được gói hỗ trợ tài chính bị trì hoãn từ EU, trị giá 50 tỷ Euro. Gói này đã bị Hungary chặn vào tháng 12 năm ngoái.
“Sự hỗ trợ này rất quan trọng đối với chúng tôi”, ông Zelensky nói.
Minh Đức (Theo TASS, Washington Post, Reuters)