Tập đoàn Walmart - nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ, nơi vốn dành cho những người có ngân sách hạn chế - cho biết, ngày càng có nhiều khách hàng thuộc tầng lớp có thu nhập trung bình và cao hơn chuyển sang mua sắm tại Walmart trong quý 2/2022.
Tại Mỹ, thị phần tạp hóa trực tuyến của Walmart, trong đó bao gồm dịch vụ nhận hàng và giao hàng, đã tăng lên 55% trong tháng 6 từ 52% ở tháng 3.
Giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ Walmart Doug McMillon cho biết, ngay cả những gia đình giàu có hiện nay dường như cũng đang “thắt chặt hầu bao” khi nhận thấy giá cả hàng hóa tăng cao.
Trả lời CNBC ngày 16/8, ông Doug McMillon cho biết, doanh thu trong quý 2 của năm tài chính 2022 tăng lên là nhờ khách hàng mới có thu nhập từ 100.000 USD trở lên và từ các chuyến đi dã ngoại ngày càng tăng. Nhà bán lẻ này cũng báo cáo lợi nhuận và doanh thu vượt dự kiến trong khoảng thời gian 3 tháng, sau khi cắt giảm triển vọng lợi nhuận trong tháng trước.
Theo số liệu Cục thống kê Lao động, lạm phát đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên. Mức giá mà người tiêu dùng trả cho hàng hóa và dịch vụ đã tăng 8,5% trong tháng 7/2022 so với một năm trước đó. Giá khí đốt gần đây đã giảm, song giá hàng tạp hóa vẫn rất tăng.
Giá thực phẩm đã tăng 10,9% trong 12 tháng qua tính đến tháng 7/2022, trong đó giá nhiều mặt hàng tiêu dùng hàng ngày tăng cao hơn như trứng tăng 38%, cà phê tăng hơn 20% và thịt nguội cũng tăng cao hơn.
Theo The Wall Street Journal, mức lương danh nghĩa của người lao động toàn thời gian tại Mỹ tiếp tục tăng cao so với thời kỳ trước đại dịch, mức tăng trưởng này trung bình khoảng 4% mỗi tháng. Tuy nhiên, lạm phát quá nóng đã bào mòn thu nhập của người lao động, khiến thu nhập thực tế giảm. Kể từ tháng 3/2021, mức lương thực tế của người lao động không hề tăng.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhiều người lao động Mỹ đang nhảy việc để tăng thu nhập. Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 2,9% người lao động Mỹ đã bỏ việc trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức 2,3% hồi tháng 2/2020.
Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo, điều này có thể gây ra vòng xoáy tiền lương - lạm phát nguy hiểm. Theo đó, người lao động muốn được nâng lương để trang trải sinh hoạt phí. Đối mặt với chi phí lao động tăng cao, các công ty có thể tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ, từ đó chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng.
"Tăng lương là điều tốt, nhưng nó có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa", bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton, nhận xét.
Gần 27% nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát khẳng định, tăng trưởng tiền lương là nguyên nhân gây ra rủi ro lạm phát trong năm nay. Tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn các ý kiến cho rằng xung đột Nga - Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng là mối đe dọa hàng đầu đối với lạm phát.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Zing)