Theo CNN, chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã và đang tạo ra một “quả bom” nổ chậm đối với các mối quan hệ ngoại giao, chính trị và quân sự trên toàn thế giới.
Tổng thống đắc cử Mỹ đã khiến không ít đồng minh truyền thống trong đó có Nhật Bản phải lo lắng về tương lai sau khi ông Trump chính thức bước vào Nhà Trắng.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng bày tỏ quan điểm: “Nhật Bản dường như rất lo lắng về việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Tốt hơn hết Tokyo cũng nên tự bảo vệ mình bằng vũ khí hạt nhân trước mối đe dọa từ Triều Tiên”.
Sau đó, ông Trump lại lên tiếng đính chính rằng “vũ khí hạt nhân chỉ là một phần trong chiến lược thương lượng” và đề nghị Nhật Bản trang bị vũ khí hạt nhân chỉ là lời nói nhất thời. Khi được hỏi liệu Mỹ có đồng ý để Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành cường quốc hạt nhân, ông Trump cho hay: “Bởi Mỹ không thể đảm nhiệm mãi vai trò quân đội toàn cầu vậy nên tôi sẵn sàng nếu như họ không thể đáp ứng các yêu cầu của Mỹ”.
Với những chính trị gia ủng hộ ông “trùm” bất động sản cho rằng, ông Trump sẽ có những tuyên bố thận trọng hơn khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ. Bởi từ khi nhận tin chiến thắng trong cuộc bầu cử, đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump đã nỗ lực củng cố hình ảnh Tổng thống đắc cử và lựa chọn những nhân vật “quyền lực” giúp ông Trump trong nhiệm kỳ của mình.
Gần đây nhất những, những nguồn thạo tin quan hệ Nhật – Mỹ cũng cho biết, ông Trump đang cân nhắc lựa chọn ông Willliam Hagerty, cố vấn thân cận trong nhóm chuyển giao quyền lực làm Đại sứ tại Nhật Bản. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên tới gặp ông Trump tại Trump Tower nhận xét: “Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump là nhà lãnh đạo có thể tin tưởng được”.
Tuy nhiên Giáo sư Kevin Rafferty tại Đại học Osaka (Nhật Bản) bày tỏ lo ngại: “Một tương lai không chắn chắn cho mối quan hệ Mỹ - Nhật là điều nhà lãnh đạo Tokyo cần phải tính đến và có phương án chuẩn bị. Bởi ông Trump là một nhà lãnh đạo “thất thường”, khó nắm bắt".
Tổng thống đắc cử Trump đã thông báo kế hoạch các công việc cần làm trong 100 ngày đầu nhậm chức mà điểm nhấn là rút tên Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây thực sự là “gáo nước lạnh” đối với Thủ tướng Abe, bởi thỏa thuận này được Nhật kỳ vọng sẽ thúc đẩy cải cách kinh tế ở Nhật Bản".
Theo ông Rafferty, việc ông Trump luôn nhấn mạnh quyết tâm “đưa nước Mỹ trở nên vĩ đại một lần nữa” có thể Nhật Bản vào tình thế nguy hiểm. Thậm chí trước đó, ông Trump còn cho rằng Mỹ đang “tốn tiền” cho việc bảo vệ các đồng minh, đồng thời yêu cầu Tokyo nên chi thêm tiền để duy trì hoạt động của quân đội Mỹ trên lãnh thổ quốc gia.
Nếu như không thể làm hài lòng ông Trump, mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản có khả năng đứng trước nguy cơ bị phá vỡ và Tokyo sẽ chịu tổn thất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc ngày càng có những hành động phi pháp táo tợn trên Biển Đông. Còn tại biển Hoa Đông, tàu hải quân Trung Quốc cũng đang tăng cường tần suất xuất hiện gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Phần lớn chuyên gia quốc phòng cho rằng, nếu không may xảy ra một cuộc xung đột, Nhật Bản sẽ không dễ dàng chịu thua Trung Quốc. Bởi cuối năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe đã phê duyệt gói ngân sách trị giá 43,66 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng năm 2017, tăng 1,4 lần so với năm 2016 và đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử.
“Trong những năm gầy đây, Nhật Bản liên tiếp tăng ngân sách quốc phòng, Tokyo cần tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng để đưa Nhật Bản vươn lên vị trí thứ 3 trên thế giới trên bản đồ các cường quốc quân sự”, chuyên gia chính trị Rafferty dự báo.
Bên cạnh đó, mối đe dọa từ nước “hàng xóm” Triều Tiên cũng là một bài toán đau đầu với chính phủ Nhật Bản. Tokyo phải liên tục cảnh giác trước các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bình Nhưỡng, các đợt thử này được tiến hành tại biển Nhật Bản với mức độ thường xuyên.
Chuyên gia đại học Osaka cũng phân tích thêm, hiện Tokyo đang nắm trong tay lượng plutonium lớn có thể chế tạo được hàng ngàn đơn vị vũ khí.
“Nhật Bản rất có thể đang “ấp ủ” việc trở thành cường quốc hạt nhân. Song, người dân Nhật Bản sẽ khó chấp nhận nếu Nhật Bản muốn thực hiện điều đó. Những ký ức đau lòng ở Hiroshima và Nagasaki cùng thảm cảnh hiện tại ở thành phố Aleppo của Syria sẽ khiến Nhật Bản thận trọng từng quyết định trong thời gian tới”, giáo sư Kevin Rafferty nhận định.
Phương Anh