Các cơ quan quản lý liên bang Mỹ đang ráo riết tìm người mua Ngân hàng First Republic khi cổ phiếu của ngân hàng này tiếp tục lao dốc.
Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã yêu cầu một số ngân hàng lớn như JPMorgan, PNC, US Bancorp và Bank of America nộp hồ sơ dự thầu trước ngày 30/4, Bloomberg đưa tin.
Người phát ngôn của 4 ngân hàng trên và FDIC đều từ chối bình luận về vấn đề này. Bloomberg cho biết, ngân hàng Bank of America đang xem xét liệu có nên tiến hành một đề nghị chính thức hay không. Ngân hàng Citizens cũng tham gia đấu thầu, Reuters cho biết.
FDIC đã liên hệ với các ngân hàng này hôm 27/4, một ngày sau khi cổ phiếu ngân hàng này giảm tới 50% sau khi tiết lộ khách hàng đã rút 100 tỷ USD tiền gửi (tương đương 40% số tiền gửi tại ngân hàng này) trong 3 tháng đầu năm. Cổ phiếu ngân hàng này hiện đã giảm 97% từ đầu năm đến nay.
Một thỏa thuận dự kiến sẽ được công bố vào tối 30/4, trước khi thị trường châu Á mở cửa. Nếu First Republic được tiếp quản bởi một ngân hàng khác, đây sẽ là ngân hàng thứ ba của Mỹ phá sản kể từ tháng 3 năm nay.
Trong tình huống ngược lại, FDIC sẽ là đơn vị tiếp quản ngân hàng và cung cấp một khoản hỗ trợ của chính phủ cho tất cả các khoản tiền gửi. Đây cũng là điều là FDIC đã làm đối với Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Ngân hàng Signature.
First Republic thường phục vụ cho các khách hàng và công ty cao cấp. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng này bao gồm quản lý tài sản và cho vay bất động sản nhà ở.
First Republic báo cáo tài sản trị giá hơn 212 tỷ USD vào cuối tháng 12/2022 và tạo ra hơn 1,6 tỷ USD thu nhập ròng vào năm 2022. Ngân hàng này vẫn hoạt động tốt vào đầu năm 2023, nhưng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ phá sản của ngân hàng Thung lũng Silicon và ngân hàng Signature. Tính đến chiều 28/4, giá trị ngân hàng này chỉ còn 650 triệu USD.
Hôm 16/3, 11 ngân hàng hàng đầu nước Mỹ đã cùng nhau bơm 30 tỷ USD nhằm giải cứu First Republic khỏi bờ vực phá sản, nhưng nỗ lực này có vẻ đã trở nên vô ích, một phần vì nhiều khách hàng sợ hãi trước viễn cảnh phải chịu những khoản lỗ lớn.
Nguyễn Tuyết (Theo NY Post, Bloomberg)