Washington không tham gia bất kỳ cuộc thảo luận nào với Warsaw về việc đặt vũ khí hạt nhân trên đất Ba Lan theo chương trình Chia sẻ vũ khí hạt nhân NATO.
Thông tin trên được Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby đưa ra khi phát biểu với Đài phát thanh RMF24 của Ba Lan hôm 23/5.
“Tôi không có gì để nói, chúng tôi không thảo luận về những điều này và tôi không có bất kỳ thay đổi chính sách nào của Mỹ để thảo luận ngày hôm nay”, ông Kirby nói, trả lời một câu hỏi có liên quan.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên nhật báo Fakt của Ba Lan hôm 22/4, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết rằng Warsaw đã nhiều lần thảo luận với Washington về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan theo chương trình Chia sẻ vũ khí hạt nhân NATO và bày tỏ sẵn sàng làm điều đó nếu cần thiết.
Bình luận về tuyên bố của Tổng thống Duda, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói rằng những vấn đề như vậy tùy thuộc vào chính phủ quyết định, trong khi Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết Nội các vẫn chưa thảo luận về vấn đề này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ ngay lập tức thu hút sự chú ý của Bộ Tổng tham mưu Nga, và chúng sẽ được xem xét trong quá trình lập kế hoạch quân sự, nếu chúng được bố trí ở Ba Lan.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), chương trình Chia sẻ vũ khí hạt nhân NATO bắt nguồn từ việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tới Tây Đức và Vương quốc Anh vào năm 1955.
Đến năm 1957, Washington đã tích lũy được một kho vũ khí và bắt đầu huấn luyện các thành viên của liên minh quân sự cách lắp đặt, nhắm mục tiêu và phóng pháo hạt nhân, rocket, tên lửa và bom hàng không trong thời chiến.
Một số thành viên NATO hiện đang lưu trữ bom B61 của Mỹ trên lãnh thổ của họ, có máy bay có khả năng vận chuyển chúng và huấn luyện cho kịch bản đó – những điều này sẽ phải được Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh và Nhóm Kế hoạch Hạt nhân cho phép.
Nhóm Kế hoạch Hạt nhân là cơ quan chính sách chịu trách nhiệm đưa ra quyết định về vũ khí hạt nhân tại NATO và do Tổng Thư ký NATO làm Chủ tịch. Cơ chế này nhận được lời khuyên về các vấn đề hạt nhân từ Nhóm cấp cao do Mỹ chủ trì và tập trung vào các vấn đề thực tế, bao gồm việc lập kế hoạch và bố trí lực lượng cũng như các vấn đề liên quan đến… an toàn, an ninh và hiệu quả. Cả hai cơ chế đều mở cửa cho tất cả các thành viên liên minh NATO, trong đó chỉ có Pháp không tham gia.
Đối với Ba Lan, một thỏa thuận của NATO về việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình sẽ cần có sự đồng thuận từ Nhóm cấp cao, thường ở dạng báo cáo khuyến nghị. Sau đó, Nhóm Kế hoạch Hạt nhân sẽ xem xét báo cáo khuyến nghị và có thể phê duyệt nó một cách rõ ràng hoặc thông qua thủ tục “im lặng”, theo đó các khuyến nghị sẽ được thông qua nếu không có sự phản đối nào.
Ba Lan đang tìm kiếm một vai trò tích cực hơn trong sứ mệnh chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO. Điều này có thể xảy ra theo nhiều cách, bao gồm việc lưu trữ vũ khí hạt nhân B61 trên lãnh thổ của mình, chứng nhận chiến đấu cơ F-35A mang vũ khí hạt nhân, hoặc đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong việc ra quyết định liên quan đến học thuyết hạt nhân của NATO.
Minh Đức (Theo TASS, IISS)