Lầu Năm Góc cho biết, phần lớn các lực lượng Nga vốn đóng xung quanh thành phố cảng Mariupol đã rời đi và di chuyển về phía Bắc, chỉ để lại khoảng 2.000 quân, tương đương với 2 nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG).
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết hôm 5/5, mặc dù Nga tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào Mariupol ở miền Nam, các lực lượng của Moscow vẫn chỉ đạt được chút ít tiến triển trong khi trận địa chính là ở Donbass, miền Đông.
Mỹ cũng không thấy có thay đổi nào trong hành vi hoặc động lực của Nga mặc dù cột mốc ngày 9/5 đang cận kề, vị phát ngôn viên thừa nhận.
Nga kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II vào ngày 9/5. Đã có những đồn đoán rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tuyên bố một thắng lợi lớn nào đó ở Ukraine khi ông có bài phát biểu trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 4/5 đã lên tiếng bác bỏ những đồn đoán như vậy: "Đó không phải là sự thật. Đó là điều vô nghĩa".
Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ vẫn đánh giá rằng Nga đang chậm tiến độ và không đạt được tiến bộ mà họ mong đợi ở Donbass.
Liên quan đến công tác sơ tán dân thường, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 5/5 cho biết, 500 người hiện đã được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol và các khu vực lân cận với sự phối hợp giữa LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC).
Cuối ngày 5/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài phát biểu video hàng đêm rằng hơn 150 người từ Azovstal và hơn 300 người từ Mariupol và các vùng ngoại ô của thành phố đã được sơ tán trong tuần này.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk hôm 5/5 thông báo, người dân sẽ được sơ tán khỏi thành phố cảng Mariupol vào lúc 12h giờ địa phương (16h giờ Hà Nội) ngày 6/5.
Bà Vereshchuk đưa ra thông báo trong một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội. Bà cho biết người dân sẽ tập trung tại trung tâm mua sắm "Thành phố Cảng" nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Nga bắn hơn 2.000 quả tên lửa vào Ukraine
Trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 5/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mô tả tình trạng thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và thuốc men tại các khu vực của đất nước hiện đang dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga là “thảm khốc”.
Tại những khu vực đó, ông cho biết, hầu như không có phương pháp điều trị nào cho những người mắc bệnh ung thư và nơi mà insulin cho bệnh nhân tiểu đường rất khó tìm hoặc không có. Ông cũng cho biết, nguồn cung kháng sinh đang thiếu hụt.
Ông Zelensky cũng tổng kết, kể từ đầu cuộc xung đột đến giờ, Quân đội Nga đã nã 2.014 quả tên lửa vào Ukraine, trong khi máy bay chiến đấu Nga đã xuất kích 2.682 lần trên bầu trời Ukraine, gần 400 bệnh viện và các cơ sở y tế khác đã bị phá hủy hoặc hư hại.
Điện Kremlin tuyên bố, họ chỉ nhắm mục tiêu vào các địa điểm quân sự hoặc chiến lược.
Mỹ bác thông tin giúp Ukraine đánh chìm soái hạm Moskva
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hôm 6/5 đã lên tiếng bác bỏ thông tin trong bài báo của NBC News rằng tình báo Mỹ đã giúp Ukraine đánh chìm soái hạm Moskva của Nga.
“Chúng tôi không cung cấp cho Ukraine thông tin nhắm mục tiêu cụ thể đối với tau Moskva. Chúng tôi không liên quan đến quyết định tấn công con tàu của Ukraine hoặc trong hoạt động mà họ thực hiện”, một số nhà báo dẫn lời ông Kirby cho biết trên Twitter.
“Chúng tôi không hề biết trước về ý định nhắm vào con tàu của Ukraine. Người Ukraine có khả năng tình báo của riêng họ để theo dõi và nhắm mục tiêu vào các tàu của Hải quân Nga, như họ đã làm trong trường hợp này”, ông Kirby bổ sung.
Trước đó, NBC News dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết, tình báo Mỹ đã giúp Ukraine đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga.
Theo NBC News, các quan chức Mỹ xác nhận rằng tàu tuần dương tên lửa hàng đầu của Hải quân Nga ở Biển Đen bị chìm hôm 14/4 sau khi bị 2 tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine tấn công.
Bài báo của NBC News dẫn lời các vị quan chức cho biết: Cuộc tấn công xảy ra sau khi người Ukraine hỏi người Mỹ thông tin về một con tàu đang di chuyển trên Biển Đen, phía Nam Odessa. Phía Mỹ đã xác định nó là chiến hạm Moskva và giúp xác nhận vị trí của nó. Sau đó người Ukraine đã tập kích con tàu.
Mỹ không biết trước rằng Ukraine sẽ nhắm mục tiêu vào Moskva, các vị quan chức cho biết thêm.
Áo cảnh báo Đức về lệnh cấm vận khí đốt Nga
Sau khi Ủy ban châu Âu đề xuất lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, Bộ trưởng Kinh tế Áo Margarete Schramböck hôm 5/5 nêu lập trường của quốc gia Trung Âu, đồng thời cảnh báo nước láng giềng Đức chớ có xem xét lệnh cấm vận khí đốt Nga.
Bộ trưởng Schramböck nói với Funke Mediengruppe - nhà xuất bản báo và tạp chí lớn thứ ba của Đức: "Chúng ta không được gửi bất kỳ tín hiệu nào theo hướng cấm vận khí đốt nếu chúng ta biết rằng mình sẽ không thể kham nổi (hậu quả của nó)”.
"Cấm vận khí đốt là một lằn ranh đỏ rõ ràng đối với Áo", bà Schramböck tuyên bố.
Vị Bộ trưởng Áo nhấn mạnh rằng đất nước của ba đang cố gắng trở nên độc lập với khí đốt Nga. Tuy nhiên, với mức độ phụ thuộc hiện tại ở mức 80%, điều này sẽ không thể xảy ra sớm.
Mỹ đề nghị cung cấp đảm bảo cho Thụy Điển, Phần Lan
Mỹ tự tin có thể giải quyết bất kỳ mối quan ngại an ninh nào mà Thụy Điển và Phần Lan có thể có trong khoảng thời gian đơn xin gia nhập NATO của họ được xử lý, Nhà Trắng tuyên bố hôm 5/5.
Thụy Điển và Phần Lan lo ngại rằng họ sẽ dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa từ Nga trong quá trình đơn xin gia nhập NATO của họ được tất cả 30 thành viên của khối này phê duyệt vì quá trình này có thể kéo dài đến cả năm trời.
“Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi có thể tìm cách giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào mà một trong hai quốc gia có thể có về khoảng thời gian từ khi nộp đơn xin gia nhập NATO đến khi chính thức gia nhập liên minh”, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói trong một cuộc họp báo.
Cả Thụy Điển và Phần Lan dự kiến sẽ đưa ra quyết định về việc có nộp đơn gia nhập NATO hay không trong tháng này.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde cho biết sau cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 4/5 rằng đất nước của bà đã nhận được sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, nhưng bà không cung cấp bất kỳ chi tiết nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist hồi tháng trước cho biết, việc nước này nộp đơn xin gia nhập NATO có thể kích thích một số phản ứng từ Nga, bao gồm các cuộc tấn công mạng và các chiến dịch tuyên truyền nhằm làm suy yếu an ninh của Thụy Điển.
Bên cạnh Mỹ, các thành viên NATO thuộc vùng Scandinavia, bao gồm Đan Mạch và Na Uy, đã cam kết sẽ ủng hộ hết mình trong quá trình Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này.
Lời cam kết mạnh mẽ được Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store đưa ra bên lề một Hội nghị Thượng đỉnh giữa 5 quốc gia Scandinavia và Ấn Độ hôm 4/5.
Trong ngày 5/5, ngày thứ 71 của cuộc xung đột Nga - Ukraine, còn có một số diễn biến đáng chú ý khác.
Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine 24 TV, ông Oleksiy Arestovych, Cố vấn Tổng thống Ukraine, cho biết Ukraine có khả năng sẽ phát động một cuộc phản công lớn nhắm vào các lực lượng Nga trong nửa cuối tháng 6 khi Ukraine nhận được nhiều vũ khí hơn từ các đồng minh.
Theo truyền thông Ukraine, Văn phòng Chuyển giao Cải cách (RDO), cơ quan cố vấn cho Nội các Bộ trưởng Ukraine, do Thủ tướng Ukraine điều phối, cho biết một cơ chế nhóm làm việc đã được khởi động hôm 5/5 để phân tích tình hình hiện tại và phát triển các đề xuất cho một kế hoạch toàn diện về tái thiết và phát triển Ukraine.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Zelensky đã cho ra mắt nền tảng huy động vốn cộng đồng toàn cầu United24.
Các động thái trên diễn ra sau khi một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế kết thúc tại Warsaw, Ba Lan. Hội nghị, được đồng tổ chức bởi Ba Lan và Thụy Điển và có sự tham dự của các Thủ tướng và đại sứ đại diện cho nhiều quốc gia châu Âu, cũng như một số doanh nghiệp, nhằm gây quỹ để cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, hội nghị đã quyên góp được 6,5 tỷ USD cho Ukraine.
Tại hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine hỗ trợ nhân đạo, các khoản cho vay và viện trợ phát triển trị giá hơn 600 triệu Euro.
Trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã thảo luận về xung đột ở Ukraine, theo Điện Kremlin và Văn phòng Thủ tướng Israel.
Cuộc điện đàm diễn ra sau khi một cuộc tranh cãi ngoại giao bùng phát bởi những bình luận của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov liên quan đến thảm họa Holocaust và trùm phát xít Adolf Hitler.
Thủ tướng Bennett đã chấp nhận lời xin lỗi của Tổng thống Putin về nhận xét của Ngoại trưởng Nga Lavrov và cảm ơn ông Putin vì đã làm rõ quan điểm của Tổng thống Nga đối với người Do Thái và ký ức về thảm họa Holocaust, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, trong tuyên bố của Nga về cuộc điện đàm không đề cập đến lời xin lỗi.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, và cho rằng Moscow gây ra mối đe dọa không chỉ ở châu Âu mà còn ở Đông Á.
Ông Kishida cho biết, 140 cá nhân Nga sẽ được thêm vào danh sách bị đóng băng tài sản. Đồng thời, Tokyo cũng sẽ mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với các công ty quân sự của Nga.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống Đức cho biết.
Trong cuộc điện đàm, hai bên được cho là đã giải quyết sự cố ngoại giao gây căng thẳng gần đây giữa Đức và Ukraine.
Minh Đức (Theo AP, Reuters, Al Jazeera, DW)