35 nhà ngoại giao bị trục xuất khỏi Mỹ
Theo hãng tin Reuters, ngày 29/12 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc gián điệp và áp đặt trừng phạt với hai cơ quan tình báo Nga vì cáo buộc xâm nhập vào các tổ chức chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Hai cơ quan tình báo Nga bị trừng phạt là Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) và Cơ quan Tình báo Quân sự (GRU). Bốn quan chức của GRU và 3 công ty cung cấp sự hỗ trợ cho cơ quan này cũng bị trừng phạt.
35 quan chức thuộc Đại sứ quán Nga ở thủ đô Washington DC và Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco hoạt động không phù hợp với thân phận ngoại giao hoặc lãnh sự đã được yêu cầu rời khỏi nước này cùng với gia đình trong vòng 72 tiếng.
Ngoài ra, Mỹ cũng đóng cửa hai cơ sở giải trí do Chính phủ Nga sở hữu tại thành phố New York và tiểu bang Maryland bắt đầu từ chiều 30/12.
Bộ Ngoại giao Mỹ coi những biện pháp trên là phản ứng cho việc nhân viên an ninh Nga và cảnh sát giao thông đã “sách nhiễu” các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Moscow.
"Những biện pháp này không phải là toàn bộ sự đáp trả của chúng tôi cho những hành động sách nhiễu của Nga. Chúng tôi sẽ còn có những hành động tiếp theo vào thời điểm và địa điểm do chúng tôi quyết định và một số trong đó sẽ không công khai", ông Obama nói.
Báo cáo chi tiết về việc sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như các cuộc tấn công mạng của nước này trong kỳ bầu cử trước đó của Mỹ sẽ được gửi đến Quốc hội trong những ngày tới, ông Obama nói.
Đây là lần Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất đối với các cáo buộc về hoạt động tin tặc của Nga.
Các biện pháp trừng phạt trên của Mỹ được thực hiện trong những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, đánh dấu mức căng thẳng mới hậu Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga, vốn xấu dần do tình hình Ukraine và Syria.
Cáo buộc của cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân chỉ đạo việc can thiệp vào quá trình bầu cử tại Mỹ bằng cách tấn công vào email của đảng Dân chủ và điều này đã làm mối quan hệ Nga-Mỹ xấu thêm.
“Những trừng phạt này diễn ra sau khi chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo, dù riêng tư hay công khai, đến chính phủ Nga. Đây là các biện pháp đáp trả cần thiết đối với các âm mưu nhằm gây nguy hại cho lợi ích Mỹ, vi phạm những chuẩn mực quốc tế về ứng xử”, Tổng thống Obama phát biểu từ Hawaii.
Việc trả đũa không cần phải vội
Không rõ Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã nhiều lần ca ngợi ông Putin và có mối quan hệ thân thiện đối với Moscow, có tìm cách lật ngược lại các biện pháp mà người tiền nhiệm đưa ra khi ông nhậm chức vào ngày 20/1 hay không.
Tuy nhiên, ông Trump đã phản ứng với việc chính quyền đương nhiệm áp dụng các biện pháp trừng phạt mới ồ ạt nhắm vào Nga khi kêu gọi nước Mỹ "bước qua" và hòa giải, đồng thời nói sẽ gặp người đứng đầu cơ quan tình báo nước này để tìm hiểu sự thật về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
"Giờ là lúc đất nước chúng ta tiến bước tới những điều to lớn và tốt đẹp hơn," ông Trump cho hay.
"Vì lợi ích quốc gia và người dân, tôi sẽ gặp gỡ người đứng đầu cộng đồng tình báo vào tuần tới để cập nhật tình hình", ông Trump nói.
Phản ứng trước lệnh trừng phạt này, phía Nga cho rằng các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ chống lại Nga thể hiện lối chính sách đối ngoại “gây hấn” và “khó lường” của Tổng thống Barack Obama.
Người phát ngôn của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ chống lại Nga lại một lần nữa cho thấy chính sách đối ngoại “gây hấn” và “không lường trước được” của chính quyền Tổng thống Obama.
“Theo quan điểm của chúng tôi, những hành động đó của chính quyền Mỹ hiện hành là biểu hiện của lối chính sách ngoại giao khó đoán và thậm chí có ý gây sự”, ông Dmitry Peskov nói.
“Tôi lấy làm tiếc khi những quyết định đó lại do chính quyền Mỹ và Tổng thống Barack Obama cá nhân thông qua. Như đã nói trước đó, chúng tôi đã xem xét những hành động này, và cho rằng lệnh trừng phạt Mỹ đưa ra là không công bằng cũng như vi phạm luật pháp quốc tế”, ông Dmitry Peskov cho biết.
Ông Peskov cũng tuyên bố phía Nga sẽ có phản ứng đáp lại bằng cách “đem lại sự không thoải mái tương tự cho phía Mỹ trong vấn đề ngoại giao”. Tuy nhiên, ông Peskov cho rằng chuyện trả đũa “không cần phải vội”.
Người phát ngôn giải thích: “Trong bối cảnh nước Mỹ trong thời kỳ chuyển giao quyền lực, chúng tôi hi vọng trong tương lai tới sẽ không còn thấy những suy nghĩ hành động bột phát vụng về như này nữa, và cũng mong muốn có thể sẽ có những bước hợp tác chung trên con đường bình thường hóa mối quan hệ song phương”.
Xem thêm >> Đòn cuối TT Obama hướng vào Nga trước khi rời Nhà Trắng có khả thi?
Đào Vũ