Chính sách mềm dẻo của Nga
Trong khi chính sách ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông luôn gặp khó khăn trong thời gian gần đây, từ hỗ trợ cho Israel tới việc rút quân khỏi Syria, Nga lại luôn theo đuổi một chính sách bền bỉ trong việc mở cửa quan hệ ngoại giao tới tất cả các đối tác.
Sự mềm dẻo của Moscow cùng lấy được sự đồng cảm của thậm chí những nước đang là “kẻ thù” của nhau như Iran và Israel. Ngược với chính sách muốn thay đổi chế độ từ Iran cho tới Syria của Washington, Moscow lại tập trung hỗ trợ cho các chính phủ đương thời của các nước này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov liên tục có những chuyến công du khắp Trung Đông và Bắc châu Phi. Hồi tháng Một, ông Lavrov đã tới Maghreb, thăm Algeria, Morocco và Tunisia. Từ ngày 4-7/3, ông cũng công du tới một loạt các nước vùng vịnh, dừng chân ở thủ đô các nước Qatar, Saudi Arabia, Kuwait và các tiểu vương quốc Ả Rập.
Tất cả các nước ông Lavrov dừng chân trong chuyến đi ở chừng mực nào đó đều là đồng minh với Mỹ. Chẳng hạn, Qatar là nơi có căn cứ không quân Al Udeid, nơi hàng nghìn quân Mỹ trú ngụ theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương năm 1991.
Ông Lavrov đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu của các nước.
Hoạt động ngoại giao của Ngoại trưởng này đã góp phần tăng cường vị thế của Nga như là một nhà môi giới trung gian tin cậy thậm chí tới cả các nước đang là kẻ thù của nhau như Israel và Iran. Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã gặp Tổng thống Nga Putin vào ngày 27/2 ở Moscow. Văn phòng ông Netanyahu trích dẫn lời của Thủ tướng: “Tổng thống Putin và tôi đã đồng ý về một mục tiêu chung đó là sự rút lui của các lực lượng nước ngoài được triển khai tới Syria sau khi cuộc nội chiến bắt đầu”.
Giới phân tích Nga kết luận Nga và Israel giành được thỏa thuận mà theo đó các cuộc không kích của Israel sẽ không đe dọa tới chính quyền Tổng thống Assad. Còn về phần mình, Nga hứa sẽ tác động để làm giảm ảnh hưởng của Iran ở gần biên giới với Israel.
Bốn ngày sau chuyến thăm của ông Netanyahu, ông Lavrov bắt đầu chuyến công du 4 ngày tới Qatar, Saudi Arabia, Kuwait và các tiểu vương quốc Ả Rập. Nội dung chuyến thăm của ông Lavrov đề cập đến các vấn đề: Các cuộc thảo luận thương mại, các dự án hợp tác, về các chuyến thăm song phương và vấn đề chính là mối nguy trong khu vực, trong đó có sự cô lập Iran cũng như vấn đề Syria hay Israel-Palestine.
Trong cuộc họp với các nước vùng vịnh, ông Lavrov nhắc đến các hoạt động đơn phương của Mỹ và những tác động tiêu cực của Washington đến tiến trình hòa bình Trung Đông.
Nhà ngoại Nga thể hiện sự quan tâm của Nga đến sự ổn định an ninh vùng Vịnh và những thiện chí của nước này trong việc giúp vùng Vịnh ổn định.
S-400 của Nga được nhiều nước chào đón
Trong bối cảnh uy tín của Nga ở Trung Đông ngày một gia tăng, hẳn nhiên vũ khí của nước này cũng được người Trung Đông đánh giá cao.
Nga cũng đang tỏ ra “vượt mặt” Mỹ trong sự thu hút ở thị trường vũ khí Trung Đông béo bở. Saudi Arabia và Qatar đều đang cân nhắc mua hệ thống phòng thủ tân tiến S-400 của Nga.
Saudi Arabia đã sở hữu tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất để bảo vệ khỏi các mối đe dọa tên lửa từ Yemen. Và trớ trêu, tài sản của quân đội Mỹ tại căn cứ không quân Al Udeid có thể sớm được S-400 của Nga “bảo vệ”.
Nga đã ký thỏa thuận với thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp S-400 cho nước này và dự kiến vũ khí này sẽ được Moscow chuyển giao ngay trong năm nay. Đây là thách thức lớn với cả NATO và Mỹ vì Ankara cũng đặt mua F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đang dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận F-35 nếu Ankara mua S-400.
Washington thậm chí đe dọa chặn tất cả các nguồn cung cấp vũ khí tiên tiến cho đồng minh trong NATO này nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga.
Theo đó, Mỹ sẽ không bàn giao 100 máy bay tàng hình F-35 mà Ankara mua của Washington và cũng sẽ không xem xét bán các hệ thống tên lửa đất đối không Patriot nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất, Lầu Năm Góc lên tiếng hôm 9/3.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn một mực bảo vệ quyết định mua S-400 của Nga. Trả lời câu hỏi liên quan đến các mối đe dọa mới nhất của Mỹ, Tổng thống Erdogan lưu ý áp lực của Washington là do đường lối ngày càng độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề quốc phòng và khu vực.
Trong khi Nga vẫn một mực sử dụng viên ngọc quý trong chính sách ngoại giao ở Trung Đông của mình đó là thúc đẩy hòa bình giữa người Israel và Palestine, thì Mỹ dưới thời ông Donald Trump dường như lại đang đánh mất vai trò là nhà môi giới tin cậy. Moscow luôn sẵn sàng mời các chính trị gia Israel và Palestine tới Moscow để tiến hành các cuộc đàm phán về hòa bình.
Trong một khu vực đầy biến động như Trung Đông, Nga luôn tỏ ra nhất quán trong chính sách mang đến sự ổn định cho khu vực, điều mà chính sách của Mỹ đang thiếu. Và ở một khu vực chịu sự tàn phá của chiến tranh, bạo lực, dường như Nga đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khi đó, Mỹ phải đối mặt với những tổn thất lớn.
Xem thêm >> S400-hệ thống "bất khả xâm phạm" hay chỉ là "hổ giấy"?