Ngày 1/2, Sputnik đưa tin, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ tạm ngừng thực hiện các nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2/2 và bắt đầu quá trình rút khỏi Hiệp ước INF dự kiến hoàn tất sau 6 tháng nếu Nga không có động thái nào nhằm quay trở lại thực hiện hiệp ước.
Sau đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này quyết định ngừng tuân thủ INF, nhằm đáp trả quyết định tương tự từ phía Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp được truyền hình với các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng nước này, Tổng thống Putin cho biết: "Đối tác Mỹ đã tuyên bố ngừng tuân thủ INF và chúng ta cũng ngừng tuân thủ như vậy".
Nhà lãnh đạo Nga cho biết nước này sẽ bắt tay vào việc chế tạo tên lửa mới, trong đó có tên lửa siêu thanh, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.
Hiệp ước INF được ký kết vào năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô như là một động thái kiểm soát vũ khí hạt nhân của 2 nước. Thời gian gần đây, Mỹ liên tiếp đưa ra những cáo buộc về việc Nga bất tuân hiệp ước và đe dọa sẽ ngừng thực hiện nghĩa vụ nếu Moscow tiếp tục tình trạng trên. Phía Nga phủ nhận thông tin trên, đưa ra các bằng chứng chỉ ra Mỹ là bên thiếu tuân thủ.
Việc cả 2 bên chấm dứt thực thi hiệp định khiến không ít chuyên gia lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn.
Theo tờ Irish Times, động thái của Mỹ đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng đây là ví dụ mới nhất cho thấy Chính phủ của Tổng thống Donald Trump tiếp tục chính sách rút khỏi những thỏa thuận quốc tế.
Những ý kiến này cho rằng với việc dừng thực thi các nghĩa vụ theo Hiệp ước INF, Mỹ sẽ thoải mái bắt đầu phát triển các vũ khí vượt các giới hạn theo hiệp ước.
Các nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ cũng không đồng tình với quyết định này của ong Trump. Nghị sĩ bang Connecticut Chris Murphy cho rằng quyết định của Mỹ là “món quà” với Nga vì nó sẽ cho phép Nga phát triển các vũ khí hạt nhân tầm trung mà không còn bị Mỹ chú ý.
Hãng tin TASS dẫn lời ông Ivan Timofeev - Giám đốc Chương trình “Valdai” của Nga - cũng cảnh báo về khả năng xảy ra một chạy đua vũ trang mới sau động thái của Mỹ. Tuy nhiên, ông Timofeev khẳng định rằng quá trình này sẽ bắt đầu trong nhiều năm nữa, khi các hệ thống vũ khí mới ra đời.
Ngoài ra, Giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Nga, Andrei Kortunov còn cho rằng Hiệp ước về vũ khí tiến công chiến lược (START-3) cũng có nguy cơ bị phá vỡ sau khi Mỹ rút khỏi INF.
Ông Kortunov cho rằng đã xuất hiện các nguy cơ đe dọa toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân không chỉ ở cấp độ song phương mà cả đa phương.
Chuyên gia Sergei Ermakov của Viện Nghiên cứu chiến lược Nga đang truy cầu lập trường của các nước châu Âu trong việc cứu vãn INF vì các nước này đối mặt với các nguy cơ an ninh nếu hiệp ước bị phá vỡ.
Ngày 2/2, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Anh nêu rõ: "Quyết định của Nga ngừng tham gia Hiệp ước INF không gây bất ngờ. Sự thật là họ đã vi phạm hiệp ước trong nhiều năm. Họ vẫn còn cơ hội, trong vòng 6 tháng tới, giải quyết những quan ngại của Mỹ và tuân thủ trở lại một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng, và, cùng với các đồng minh NATO, chúng tôi kêu gọi Nga thực hiện điều này".
Phía bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối Mỹ rút khỏi INF, đồng thời kêu gọi Moscow và Washington đàm phán để giải quyết những khác biệt.
Bộ Ngoại giao Phần Lan khẳng định Hiệp ước INF là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí thành công. Phần Lan hy vọng Nga và Mỹ tiếp tục đối thoại về sự ổn định chiến lược.
Bá Di (Tổng hợp)