Các đồng minh Mỹ đã “nhất trí” thông báo với Mỹ rằng họ sẽ “không ở lại nếu Mỹ rút đi” – một quan chức cấp cao Mỹ cho hay. Pháp và Anh là hai quốc gia duy nhất có binh sĩ đang chiến đấu ở thực địa Syria, đồng hành cùng liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu.
Cùng với Mỹ, hai nước này đào tạo, tiếp tế, hỗ trợ hậu cần và tình báo cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nhóm phiến quân đối lập người Kurd – lực lượng chủ lực trong cuộc chiến chống IS. Quân Mỹ, Pháp và Anh hỗ trợ cho SDF bằng những cuộc không kích và pháo kích nhằm vào các tay súng khủng bố.
Ngoai trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuần trước nói, ông cảm thấy chính sách của Tổng thống Trump rất bí ẩn. Vào ngày 19/2 vừa qua, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói rằng “không có khả năng lực lượng Anh sẽ thay thế Mỹ” ở Syria.
Việc châu Âu từ chối ở lại Syria là một trong nhiều lý do khiến giới chức cấp cao và các thành viên nghị viện Mỹ từng thuyết phục ông Trump suy nghĩ lại về việc giữ một phần lực lượng binh sĩ nước này ở lại Syria.
Mối lo ngại của họ được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Washington vẫn chưa đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về cam kết sẽ không tấn công SDF (mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố). Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã từng nói rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung tại khu vực biên giới Syria-Thổ đã sẵn sàng di chuyển về phía Đông Bắc Syria một khi Mỹ rời đi.
Một trong những đề xuất của Mỹ đối với những đồng minh không có lực lượng trực tiếp ở Syria, trong đó có Mỹ, là thành lập một lực lượng “quan sát viên” để tuần tra “vùng an toàn” ở phía biên giới Syria nhằm ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd.
Giới chức Ankara nói, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar và Tham mưu trưởng quân đội nước này sẽ bay tới Washington vào ngày 21/2 để thảo luận về Syria và các vấn đề khu vực với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan.
SDF đã kêu gọi các quốc gia phương Tây duy trì lực lượng binh sĩ lên tới 1.500 người ở Đông Bắc Syria để hỗ trợ không kích và ngăn cản những lực lượng đối lập khác. Khi Mỹ có khả năng sẽ rút 2.000 lính về nước, người Kurd cũng tìm đến đàm phán với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Nga – những đồng minh chủ chốt của Damascus, cùng với Iran.
Trong khi đó, Nga đề xuất rằng lực lượng Assad sẽ được phép kiểm soát toàn bộ những khu vực hiện đang do Mỹ và đồng minh quản lý.
“Không ai, kể cả người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ, nghĩ rằng quân Chính phủ kiểm soát vùng Đông Bắc là một ý tưởng hay ho”, quan chức cấp cao Mỹ nói.
Ông Trump từ lâu luôn phàn nàn rằng các trợ lý hàng đầu của ông và lực lượng quân đội luôn cố gắng ngăn chặn ông cho rút khỏi Syria khi IS đã bị đánh bại.
Hồi tháng 12/2018, ông nói rằng mục tiêu đó đã đạt được và lính Mỹ “đang” rời đi, sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từ chức. Ông Trump lúc đó lại nói rằng quá trình rút quân sẽ “có trật tự”. Quân đội nước này đang lên kế hoạch hoàn tất quá trình rút toàn bộ binh sĩ vào cuối tháng 4/2019.
Xem thêm: Người Kurd dự báo “đường đi nước bước” của Mỹ sau khi rút lính khỏi Syria