Theo Algemeiner, Ron Tira, người từng hoạt động trong bộ phận hoạch định chiến dịch của lực lượng không quân Israel nhận định, việc Mỹ rút quân sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của Mỹ chứ không chỉ với Israel.
Các câu hỏi chủ chốt như liệu Mỹ có muốn “đối trọng với sự hiện diện của Nga ở Trung Đông” cũng như “cam kết của Mỹ về việc bảo vệ người Kurd” cũng được nhắc đến nhiều sau quyết định của ông Trump, Ron Tira cho biết.
“Liệu Mỹ có quan tâm đến việc tiếp tục đàm phán với Nga hay ngăn chặn các cuộc tấn công người Kurd sau khi Mỹ trao cho lực lượng này sự độc lập, cũng như việc ngăn cản Iran hiện diện trong khu vực...”, Ron Tina cho biết.
Việc Mỹ rút quân có thể giúp Iran thuận lợi trong việc vận chuyển vũ khí vào Syria.
“Lực lượng Mỹ ở Đông Syria giữ vai trò khá quan trọng trong việc ngăn chặn các con đường bộ của Iran... Việc Mỹ rút quân sẽ làm giảm khả năng kiềm chế việc Iran phát triển và hoạt động trên các tuyến đường bộ”, Ron Tira cho hay.
Việc Mỹ hiện diện ở Syria sẽ buộc cả Nga và Iran cùng phải dàn xếp với Mỹ, tạo thế đòn bẩy mà theo đó Mỹ có thể yêu cầu lực lượng quân sự Iran rút khỏi Syria. Mỹ về nước vì thế khiến Israel trở nên lo ngại vì lâu nay Israel vẫn xem Iran là thù địch và luôn ngăn chặn Iran hiện diện quân sự ở Syria.
Tuy nhiên, một số chuyên gia như Eyal Zisser, đại học Tel Aviv lại không cho rằng Israel sẽ gây áp lực với Mỹ về vấn đề Syria. Thay vì đó, Israel có thể gửi thông điệp tới các nước Ả Rập như Saudi Arabia hay các quốc gia vùng Vịnh về những nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ ở Syria khi Washington rút khỏi Syria, chuyên gia Zisser cho hay.
Về những ảnh hưởng thực sự với khu vực, chuyên gia Zisser lập luận rằng việc Mỹ rút khỏi Syria giống như sự cổ vũ với Iran và “điều này thực sự không hề dễ chịu”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, Mỹ thường hiếm khi ngăn chặn Iran ở Syria, chuyên gia này nhận định.
Những động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung Đông năm 2018 đã đảo ngược hầu hết chính sách của các chính quyền tiền nhiệm, từ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv về đây đến việc “khai tử” thỏa thuận hạt nhân lịch sử, áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, hay gần đây nhất là quyết định rút quân khỏi Syria.
Không chỉ gây tranh cãi, những bước đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung Đông khiến các đồng minh “đứng ngồi không yên”. Không ít chỉ trích cho rằng chính sách của Nhà Trắng đối với Trung Đông hiện không còn mang tầm nhìn dài hạn, bỏ mặc các đồng minh.
Thậm chí, một số ý kiến còn khẳng định, Mỹ đang “tự bắn vào chân mình” khi tự loại bỏ vai trò dẫn dắt các vấn đề khu vực, đồng nghĩa với thất bại trong việc “kiềm chế” Iran và Nga - hai đối thủ chính cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực.
Tái định hình chính sách Trung Đông, hay "lấp đầy" khoảng trống đang có nguy cơ làm suy yếu sức mạnh của Mỹ tại khu vực chiến lược này, đang được Washington tích cực triển khai.
Xem thêm >> Mỹ rút khỏi Syria, các đồng minh đồng loạt “quay lưng”?