Sự không đồng nhất của Tổng thống Donald Trump về những gì ông muốn Mỹ làm ở Syria – một tuần trước muốn rút quân nhưng sau đó lại chần chừ - không phải là điều gây ngạc nhiên. Trong toàn bộ nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Barack Obama cũng đôi lúc có những hành động bối rối về Syria giống như người kế nhiệm.
Có một lý do giải thích tại sao hai đời tổng thống khác nhau lại chịu tình trạng khó xử chung này: Đối với Washington, cuộc nội chiến ở Syria là một tình huống không thể thắng, tạp chí Foreign Policy nhận định.
Nếu Mỹ muốn hậu thuẫn cho phiến quân, nước này sẽ tạo cơ hội cho những kẻ Hồi giáo cực đoan lợi dụng tình hình để biến mối đe dọa khủng bố ngày thêm lớn mạnh, thậm chí đe dọa cả nước Mỹ.
Nhưng nếu Mỹ tìm cách hỗ trợ lực lượng duy nhất có khả năng đánh bại phiến quân, cuối cùng nước này sẽ phải bắt tay với Tổng thống Bashar al-Assad – đi ngược lại với mục đích đã theo đuổi nhiều năm qua, đồng thời đây còn là đồng minh của Iran.
Nhìn chung, chính sách của Mỹ thông qua cả hai chính quyền Obama và Trump đã trở nên khoan dung hơn cho mục tiêu lật đổ Tổng thống Assad trong vài năm gần đây.
Ngoài ra, có rất ít điều ở Syria phục vụ lợi ích cho Mỹ, ngoài “cát và chết chóc”, như ông Trump đã thẳng thắn nói vào tuần trước. Về cơ bản, nơi đây không có giá trị chiến lược thực sự đối với người Mỹ.
Theo Foreign Policy, Syria về bản chất là một thảm họa khủng khiếp và Washington không nên can thiệp vào những vấn đề tại quốc gia này kể từ sau những bài học đau thương ở Iraq và Libya.
Sự hỗ trợ kéo dài nhiều năm của Washington với phiến quân được cho là chỉ kéo dài chiến tranh và làm cho cuộc khủng hoảng nhân đạo trở nên tồi tệ hơn đối với Syria và châu Âu, nơi phải gánh chịu dòng chảy tị nạn khổng lồ.
Tổng thống Trump đã nói về điều này trong bài phát biểu ngẫu hứng tại cuộc họp ở Nhà Trắng tuần trước, khi ông miễn cưỡng phải rút lại kế hoạch rút quân ngay lập tức để giữ niềm tin với người Kurd.
“Chúng tôi muốn bảo vệ người Kurd”, ông nói. “Nhưng tôi không muốn ở Syria mãi mãi”. Ông Trump nhấn mạnh: “Toàn cát. Và toàn chết chóc”.
Joshua Landis, một chuyên gia về Syria tại Đại học Oklahoma - một trong số ít người dự đoán chính xác sự tồn tại lâu dài của ông Assad trên ghế quyền lực – tin rằng đây là sự thật. Syria không phải là một quốc gia quan trọng đối với người Mỹ..
Tất nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này - đó là một lý do khiến ông Trump phải đảo ngược quyết định. Một số tiếng nói có trọng lượng khác trong chính quyền như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo muốn có sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ chống lại Iran.
“Các vấn đề của ông Trump bị rối tung lên. Lập trường của ông ở Syria đang căng thẳng nghiêm trọng xoay quanh chính sách Iran từng nêu ra trước đó”, Reuel Marc Gerarou từ Quỹ Quốc phòng Dân chủ, nói.
Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Obama chưa bao giờ rơi vào tình huống mâu thuẫn ở Syria như ông Trump, người vào ngày 19/12 năm ngoái tuyên bố rằng quân đội Mỹ sẽ rời đi sau 30 ngày và IS đã bị đánh bại.
Điều này đã gây ra làn sóng phản đối, mà một trong đó là nguyên nhân khiến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phải từ chức - trước khi ông Trump quyết định đưa ra động thái xoa dịu một tuần sau đó.
Vấn đề mà ông Trump gặp phải bây giờ là làm yên lòng những ý kiến trong chính quyền như Bolton – người nói rằng quân đội Mỹ sẽ duy trì ở Syria chừng nào IS và mối đe dọa Iran vẫn còn đó.
Ảnh hưởng của Iran ở Syria sẽ không thể biến mất dễ dàng và thật khó để tưởng tượng mối đe dọa IS sẽ bị xóa sổ hoàn toàn. Đó là một cái cớ để những quan chức “diều hâu” ở Mỹ có thể ở lại Syria mãi mãi và tiếp tục hỗ trợ một số phiến quân thay vì rời đi. Nhưng đó gần như chắc chắn là một kịch bản không thắng.
“Chính sách chống khủng bố khả thi duy nhất trong khu vực là có một nhà nước mạnh với các lực lượng áp chế mạnh mẽ”, chuyên gia Joshua Landis nhận định. “Người Mỹ cần có một thỏa thuận với chính quyền Assad. Người Nga đang làm điều đó. Các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh cũng bắt đầu làm điều đó. Nhưng dường như bước đi như vậy không được Bolton và Pompeo để tâm đến. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ hãy chấp nhận Iran là cường quốc thống trị”.
Tuy nhiên Landis dự đoán rằng, đến thời điểm cuối cùng, Washington sẽ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc đi cùng những đối thủ của mình.