Washington đã thất bại trong việc tách cái gọi là phiến quân ôn hòa từ những kẻ khủng bố ở Syria. Nhà Trắng cũng nhiều lần cố gắng đánh lạc hướng công chúng về thực tế rằng, các nhóm "ôn hòa" này đã bị phát hiện hợp tác với các tổ chức khủng bố nước ngoài bao gồm các nhánh của al-Qaeda và kể cả IS, chuyên gia phân tích chính trị Tony Cartalucci nêu quan điểm trên tờ New Eastern Outlook.
Thay vào đó, Mỹ đã chuyển trọng tâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra trong bối cảnh quân chính phủ đang cố gắng thiết lập an ninh ở Aleppo.
Các hoạt động do lực lượng quân đội Syria được hỗ trợ bởi Nga và đồng minh đang hướng tới mục đích đưa những thành trì cuối cùng được đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ.
Hiện tại vẫn còn một phần nhỏ dân thường ở Aleppo đang bị mắc kẹt giữa vòng vây khủng bố.
Các con số đưa ra bởi Liên Hợp Quốc cho thấy, có khoảng 1.750.000 người ở Aleppo đã tìm đến sự bảo trợ của chính phủ, trong khi đó còn khoảng 275.000 thường dân đã bị bắt làm con tin bởi các nhóm al-Nusra Front và Jaish al-Fath.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông phương Tây lại cáo buộc ngược lại rằng hoạt động giải phóng của chính phủ Assad là "hành vi chống lại dân thường Syria".
Tờ Washington Post hôm 5/10 đưa tin cho biết, Nhà Trắng đang xem xét tung ra một đòn tấn công quân sự để ngăn lại những động thái nói trên của chính phủ Syria.
"Sự sụp đổ của Aleppo sẽ làm suy yếu mục tiêu chống khủng bố của Mỹ tại Syria", một quan chức Washington giấu tên cho biết với báo chí.
Tờ Vzglyad của Nga dẫn ý kiến hai nhà quan sát Andrei Rezchikov và Mikhail Moshkin nói rằng, các nhà lãnh đạo Mỹ dường như sẽ làm mọi điều có thể để ngăn chặn quân chính phủ được sự hậu thuẫn của Nga đang muốn tiến hành giải phóng hoàn toàn Aleppo.
Các nhà quan sát dẫn lời cựu Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Sergei Ordzhonikidze nói với RIA Novosti rằng Washington "không muốn Syria chiếm lại Aleppo từ tay IS dưới sự hỗ trợ của Moscow".
Trong đó ông nêu ra sự mâu thuẫn ở đây khi lưu ý rằng, quân chính phủ Assad đang muốn tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng cực đoan tồn tại trong thành phố, thế nhưng Washington lại đang cố gắng hết sức để ngăn chặn điều này. Trong khi trước đó Mỹ vẫn thường rêu rao về tôn chỉ chống khủng bố cứng rắn của mình.
Ông Ordzhonikidze cũng chỉ trích phát biểu của ông Zeid Ra'ad Hussein, Cao ủy LHQ về Nhân quyền đưa ra hôm 4/10.
Ông Hussein đã kêu gọi Hội đồng Bảo an hạn chế quyền phủ quyết của các nước thành viên thường trực "như một cách để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Aleppo".
Ordzhonikidze nghi ngờ rằng Washington có thể đã tác động hậu trường để tìm cách hạn chế quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Bình luận về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lập luận "Nga có quyền phủ quyết không phải là một đặc quyền mà để tạo sự cân bằng quyền lực toàn cầu".
Quốc Vinh