Trong tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson khẳng định Mỹ sẽ có “một hướng tiếp cận mới” đối với vấn đề Triều Tiên.
"Trước mối đe dọa ngày càng leo thang, rõ ràng chúng ta cần một cách tiếp cận mới. Một phần mục đích trong chuyến thăm của tôi đến khu vực là nhằm trao đổi quan điểm về một cách tiếp cận mới", Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ với các phóng viên ở Tokyo sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật trong chuyến thăm châu Á.
Dù Ngoại trưởng Mỹ không nói rõ hướng tiếp cận mới là gì nhưng giới bình luận cho rằng những phương án có thể được “đặt trên bàn” có thể là cải thiện khả năng tên lửa, trang bị cho đồng minh khả năng tấn công tên lửa mới hoặc thậm chí triển khai vũ khí hạt nhân cho đồng minh.
Trong bài trả lời phỏng vấn trước khi thăm châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được hỏi: "Liệu ông có thay đổi quan điểm phản đối Tokyo và Seoul sở hữu vũ khí hạt nhân như trước đây, khi mà tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng?". "Chúng tôi đang xem xét mọi phương án, nhưng chúng tôi cũng không thể đoán trước được tương lai”, ông Tillerson trả lời.
“Điều quan trọng là mọi quốc gia trong khu vực cần hiểu rằng, tình hình có thể tiến triển tới mức độ cần có hoạt động phòng thủ song phương. Đây là phương án chúng tôi đang cân nhắc", ông Tillerson chia sẻ.
Giới chuyên gia cho rằng những phát biểu của ông Tillerson cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn rời xa nỗ lực ngoại giao, từ đó đưa Washington và các đồng minh châu Á tiến gần hơn tới một phản ứng quân sự.
Và lập trường cứng rắn hơn về Triều Tiên là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền ông Trump sẵn sàng sử dụng “quyền lực cứng” để xử lý các mối đe dọa ở châu Á sau khi tuyên bố khai tử chiến lược xoay trục của người tiền nhiệm Barack Obama.
Giới phân tích cho rằng có thể chính sách xoay trục của Mỹ đối với khu vực châu Á không thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, phương thức tiến hành chính sách của Mỹ có thể sẽ sử dụng nhiều đến giải pháp quân sự. Điều này xem ra không mấy khó hiểu khi mà không lâu sau nhậm chức, ông Trump đã đề xuất tăng ngân sách quân sự lên thêm 54 tỷ USD.
Nhật Bản là đồng minh quan trọng
Không phải ngẫu nhiên Nhật Bản trở thành điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á của tân Ngoại trưởng Mỹ. Trước khi bắt đầu đàm phán với Ngoại trưởng Fumio Kishida, ông Tillerson khẳng định tầm trọng của Nhật trong mối quan hệ với Mỹ: “Nhật Bản là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á của tôi, cho thấy tầm quan trọng của quan hệ Nhật- Mỹ”.
Ngoài mục đích đối phó những hành động khiêu khích của Triều Tiên, theo giới phân tích, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật hiện đang ở trong một giai đoạn được coi là bước ngoặt lịch sử, trong đó cả hai nước đang đứng trước những thách thức mang tính chất sống còn. Do đó rất cần sự hợp tác cùng nhau và hành động chung để hóa giải.
Nhật Bản hiện đang phải đương đầu với những thách thức từ phía Trung Quốc trên các bình diện như: Cạnh tranh chiến lược trong không gian phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, tranh chấp chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư và tham vọng Biển Đông của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng giao thương hàng hải với thế giới của Nhật Bản.
Về phía Mỹ, nước này cũng đang phải đối mặt với sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như những ảnh hưởng từ sự “trỗi dậy” của Bắc Kinh.
Những thách thức trên chính là lý do đưa Mỹ và Nhật Bản tiến gần nhau hơn trong mối quan hệ đồng minh. Cả hai nước cần phải phối hợp nỗ lực để hóa giải thách thức trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu không chỉ trong thời điểm hiện tại, mà cả trong thời gian tới. Ngoại trưởng Mỹ gọi liên minh Mỹ-Nhật là “nền tảng của hòa bình và ổn định” ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Xem thêm >> Chân dung cảnh sát anh hùng tay không đối đầu khủng bố ở London
Đào Vũ