Tổng thống Trump và phát biểu "tàn khốc"
Dường như các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á cũng cảm thấy bất ngờ trước tuyên bố bùng nổ của Tổng thống Donald Trump chống lại CHDCND Triều Tiên.
Trong phát biểu mới nhất tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9, nhà lãnh đạo Mỹ đe dọa không chỉ để hành động chống lại chính quyền Kim Jong-un mà có thể “hủy diệt hoàn toàn đất nước 25 triệu người” ở Đông Bắc Á.
Trước lời hùng biện cứng rắn của ông Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc đã im lặng, trong khi Trung Quốc và Nga ngay lập tức cảnh báo Washington đang đẩy tình hình leo thang căng thẳng.
Tờ China Daily của Trung Quốc mô tả bài phát biểu là “sự ồn ào cuồng nộ”, đồng thời chỉ trích Mỹ đang theo đuổi lợi ích riêng ở Triều Tiên, bất chấp nỗ lực của nhiều nước đề nghị hai bên cùng đối thoại.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chối bình luận về lời tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ.
Sự im lặng bất ngờ từ người đứng đầu Tokyo đang cho thấy sự bối rối của ông khi một mặt mong muốn có được giải pháp kiềm chế Triều Tiên từ Mỹ, mặt khác không muốn một cuộc chiến tranh khu vực xảy ra.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dường như đồng ý với quan điểm của Tổng thống Trump ở Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, ông thể hiện một sự dè dặt hơn khi đánh giá bài phát biểu nhấn mạnh sự cấp bách trong việc đối phó với Triều Tiên và phát biểu Seoul tin người đứng đầu nước Mỹ vẫn cam kết hòa bình.
“Mỹ có sức mạnh và sự kiên nhẫn, nhưng nếu buộc phải bảo vệ bản thân hoặc đồng minh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phá hủy hoàn toàn Triều Tiên”, ông Trump khẳng định trong bài phát biểu đầu tiên ở Liên Hợp Quốc.
Căng thẳng giữa chính quyền Trump và chính quyền Kim Jong-un đã gia tăng lên đỉnh điểm sau hai vụ thử tên lửa đạn đạo mang khả năng đe dọa nước Mỹ và vụ thử hạt nhân lần 6.
Các lựa chọn quân sự để đối phó với Triều Tiên luôn được cho là giải pháp rủi ro, khi Bình Nhưỡng có thể ngay lập tức trả đũa bằng cách chĩa pháo binh sang Hàn Quốc.
Chính vì điều này, các nhà phân tích nói rằng bài phát biểu "máu lửa" của ông Trump sẽ rung lên hồi chuông cảnh báo trong khu vực.
Phát biểu của ông Trump khiến đồng minh sợ hãi
John Delury, Giáo sư nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại đại học Yonsei ở Seoul cho biết, Mỹ không có truyền thống đưa ra những lời hùng biện theo kiểu “khô máu” giống như các tuyên bố đe dọa mà Triều Tiên thường xuyên đưa ra.
Chính vì vậy, phát biểu gây bất ngờ của ông Trump đang dẫn đến một số hoài nghi về việc có thể lần này nước Mỹ sẽ làm thật.
“Liệu chính quyền Trump có thật sự nghiêm túc với tuyên bố của mình và đưa cả khu vực tiến vào một cuộc chiến tranh giống như năm 1953?”, Giáo sư Delury đặt câu hỏi.
Chuyên gia về Triều Tiên Narushige Michishita tại viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo nói, trong khi Chính phủ Abe hỗ trợ một đường lối cứng rắn đối với Triều Tiên, nhiều người Nhật Bản thực tế lại quan tâm đến việc liệu họ có rơi vào một thảm kịch mới nào không.
“Việc sử dụng vũ lực sẽ gây ra sự tàn phá lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản cũng không tránh bị ảnh hưởng”, ông nói.
Còn đối với Trung Quốc, các nhà quan sát ở quốc gia này nói rằng, lựa chọn quân sự của Mỹ là điều “không nên nghĩ tới” và “quá tốn kém”.
Những thách thức chờ lời giải
“Chiến tranh không phải là một lựa chọn. Nó sẽ làm tổn thương tất cả các bên, tất cả mọi người trên bán đảo và trong khu vực Đông Bắc Á”, ông Cui Zhiying, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bán đảo Triều Tiên tại đại học Tongji ở Thượng Hải nói. “Muốn có hòa bình phải đối thoại và đây là giải pháp duy nhất” chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông Cui Zhiying cảnh báo, hành động quân sự của Mỹ sẽ kéo Trung Quốc vào một tình thế không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả.
“Trung Quốc không muốn nhìn thấy chiến tranh hay tình trạng hỗn loạn ở Triều Tiên”, chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh. “Nếu Mỹ có hành động quân sự, Trung Quốc sẽ phải phản ứng, đơn giản chỉ vì nó diễn ra ở ngay trước cửa nhà mình”.
Còn với Nga, bài phát biểu mới nhất của ông Trump mang tới những câu hỏi kỳ lạ khi nhà lãnh đạo Mỹ đang muốn phó mặc đồng minh sống chết.
“Xung đột quân sự đồng nghĩa với cái chết của thường dân. Thật kỳ lạ khi Mỹ để cho các đồng minh của mình bị tổn thương”, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Andrei Klimov nói với hãng tin Interfax.