Theo TTXVN, ngày 13/9, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đi thăm Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines từ ngày 6-12/10 tới để bàn về các vấn đề kinh tế và an ninh.
Chuyến thăm sẽ diễn ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang nỗ lực giải quyết bất đồng liên quan đến những vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Hoa Đông giàu dầu mỏ và khí đốt. Chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama tập trung vào Châu Á nên các quan chức của ông đang theo dõi sát sao cuộc tranh chấp hàng hải này.
Theo TTXVN, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ bắt đầu chuyến công du của ông tại Indonesia để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của những nước đàm phán về thỏa thuận thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiến trình có thể được hoàn tất vào cuối năm nay. Ông cũng sẽ tham dự hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở nước này.
TT Mỹ Obama giật mình vì đã bỏ quên biển Đông
An ninh hàng hải sẽ nằm trong chương trình nghị sự các cuộc họp của ông Obama tại Brunei khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Ở Malaysia, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ gặp gỡ Thủ tướng Najib Razak và sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp Toàn cầu. Chính quyền của Tổng thống Obama khởi động chương trình này năm 2009 để tạo việc làm bằng việc giúp các doanh nhân trẻ tuổi chia sẻ ý tưởng.
Tại Philippines, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ thảo luận các vấn đề kinh tế và an ninh với người đồng cấp Benigno Aquino, trong bối cảnh Manila đã kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế Liên Hợp Quốc về luật biển.
Gần 1 tháng qua, cả thế giới chỉ chú ý vào tình hình Syria mà quên đi tình hình biển Đông vốn nóng trong dư luận quốc tế. Điều này đã được thể hiện rõ nét tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 hôm 5/9 tại St. Peterburg của Nga. Lần đầu tiên Tổng thống Putin đưa vào chương trình nghị sự vấn đề Syria, được cho là không có trong nội dung đàm phán ban đầu.
Syria trở thành nơi tụ hội của sức mạnh quân sự thế giới với sự xuất hiện của tàu khu trục mang tên lửa hành trình của Mỹ, tàu ngầm tấn công lớp Trafalgar của Anh, tàu khu trục Nga, tàu chiến của Italia, tàu sân bay của Pháp…
Suốt thời gian căng thẳng, Trung Quốc không có một hành động rõ nét nào ngoài việc kêu gọi ngừng việc tấn công Syria và tôn trọng quyết định của Liên Hợp Quốc. Phương châm “bình tĩnh quan sát, quyết không đi đầu” được Trung Quốc thực hiện triệt để.
Tuy nhiên, theo dõi hoạt động quân sự của quốc gia này, có thể thấy rằng thời điểm Mỹ và các nước mải mê với Syria cũng là thời điểm họ đóng 75 cọc bê tông xuống bãi cạn Scaborough ở Biển Đông và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Philippines.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động kiểm soát bãi cạn này như điều thêm tàu Hải giám có trang bị vũ khí "canh" bãi cạn. Với 75 cọc bê tông dựng sẵn, Trung Quốc có thể xây dựng công sự bất kỳ lúc nào.
Quốc gia này còn đưa tàu hải cảnh vào khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Cũng trong thời điểm này còn xuất hiện thông tin Trung Quốc chiếm hơn 640km2 lãnh thổ của Ấn Độ.
Có lẽ để tránh Trung Quốc có thể hành động tùy tiện ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đã kịp thời 'sửa sai' bằng chuyến công du sắp tới của Tổng thống Obama.
Trúc Linh